Một số lưu ý trong thâm canh cây Khoai lang

Đăng ngày 06 - 07 - 2024
100%

Thanh Hóa là một tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển cây khoai lang. Đặc biệt một số địa phương như: Nghi Sơn, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn… có diện tích đất thịt nhẹ, cát pha rất thích hợp cho canh tác khoai lang.

Cây khoai lang từ lâu đã gắn bó với người nông dân Thanh Hóa, tuy nhiên thực tế cho thấy các địa phương vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh, sản phẩm khoai lang chưa phát triển thành hàng hóa. Một phần nguyên nhân là do thiếu giống tốt, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin lưu ý bà con một số kỹ thuật trong thâm canh cây khoai lang, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian sắp tới.

1. Thời vụ trồng:

- Vụ Xuân Hè từ 20 tháng 1 đến 20 tháng 2

- Vụ Thu Đông từ 25/8 đến 10/9.

2. Kỹ thuật làm đất:

- Chọn đất: Đất thích hợp nhất cho khoai lang là đất cát pha, thịt nhẹ.

- Làm đất: Đất phải được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30-40 cm. Đây là điều kiện cần thiết để cây khoai lang phát triển thuận lợi và cho năng suất cao. Không nên làm luống thấp và nhỏ hơn (cây không cho năng suất tối đa, bọ hà phá hại nhiều) hoặc cao và rộng hơn (lãng phí đất dẫn đến giảm năng suất trên một đơn vị diện tích). Nếu đất có tầng đất màu nông thì làm luống rộng 1,3-1,4 m.

- Chuẩn bị giống: Để có năng suất cao, nông dân chỉ khai thác dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 sao cho đoạn dây cắt dài 30-35cm. Đảm bảo trên dây khoai phải có từ 5- 6 mắt thân.

3. Kỹ thuật trồng và bón phân:

- Kỹ thuật trồng: Trồng hàng đơn, đặt dây giống dọc theo luống và nối đuôi nhau, đảm bảo 4 dây/1m dài của luống (cây cách cây 25cm). Chú ý dây giống đặt nông, chỉ để 3 lá ngọn phía trên mặt đất. Nếu để quá 3 lá trên mặt đất, cây khoai sẽ hô hấp và thoát hơi nước nhiều làm cho đoạn dây nhanh bị khô và chết, nhất là khi trồng gặp thời tiết nắng nóng, khô hanh. Với kĩ thuật trồng như trên, kết quả cho thấy, năng suất khoai cao hơn đối chứng (trồng kiểu áp tường), củ to đều. Trồng theo kiểu áp tường cây đâm tia củ và xuống củ không thuận lợi, số tia củ chỉ tập trung về một bên luống.

 - Bón phân: Lượng phân bón cho 1 sào Trung bộ 500m2 gồm: Bón 500 kg phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh), 20 kg phân Super lân (hoặc NPK chuyên dùng bón lót), 5-7 kg đạm urê, 6-8 kg kali, tuỳ theo đất (đất cát ven biển, đất bạc màu bón 7 kg đạm; đất tốt bón ít đạm tăng lân và kali).

Cách bón: Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ vi sinh) + toàn bộ phân lân (hoặc NPK chuyên dùng bón lót) + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng Kali. Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp vun xới.

- Vun xới lần 1: Sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón thúc 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng Kali.

- Vun xới lần 2: Sau lần 1 khoảng 15-20 ngày kết hợp bón thúc số phân còn lại.

4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:

- Bấm ngọn: Sau khi trồng 30-35 ngày (vụ Xuân) và 10-15 ngày (vụ Đông) phải bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1.

- Trong suốt thời gian sinh trưởng sau của cây khoai lang không nên bấm ngọn nhiều lần. Khi thấy dây khoai bò xuống rãnh, cần sớm nhấc dây, vắt lên luống. Nếu thấy thân lá phát triển mạnh quá chỉ cần cắt tỉa bớt thân lá ở phần rãnh luống.

- Làm cỏ, tưới nước: Sau trồng 2-3 ngày phải thường xuyên tưới giữ ẩm. Sau mỗi đợt vun xới khoảng 2-3 ngày cần phải đưa nước vào rãnh để đảm bảo đủ độ ẩm cần thiết. Khi khô hạn có thể tưới tràn 1/2-1/3 rãnh luống, và giữ ẩm thường xuyên. Nhưng không được để nước liên tục ở rãnh.

- Phòng trừ sâu bệnh hại: So với các cây rau màu khác, cây khoai lang ít bị sâu bệnh hại hơn. Chú ý phòng trừ một số sâu bệnh hại chính như: sâu ăn lá, bọ hà, bệnh ghẻ. Trong đó quan trọng nhất là phòng trừ bọ hà bằng cách lên luống cao, vun luống 2 lần/vụ, giữ ẩm thường xuyên cho luống; tuyệt đối không được để luống khoai khô nứt nẻ sẽ tạo điều kiện cho bọ hà chui vào luống khoai hại củ; có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật rắc vào rạch trước khi trồng sẽ diệt được bọ hà gây hại./.

<

Tin mới nhất

Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng cao su tại BQL rừng phòng hộ Sông Chàng(24/07/2024 9:19 CH)

Hiệu quả từ mô hình trồng Nấm(24/07/2024 9:11 CH)

Thông tin liên hệ(24/07/2024 8:03 SA)

Hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ(19/07/2024 11:03 SA)

Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong trồng thâm canh cây dưa hấu(15/07/2024 8:50 SA)

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi ngan pháp thương phẩm đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thực phẩm(15/07/2024 8:40 SA)

Triển khai mô hình trồng rừng thâm canh cây Tếch tại xã Hạ Trung, huyện Bá Thước(15/07/2024 8:36 SA)

Một số lưu ý trong thâm canh cây Khoai lang(06/07/2024 4:07 CH)

Chung tay ủng hộ chính quyền địa phương trong việc xây dựng và về đích Nông thôn mới(02/07/2024 2:22 CH)

In Pond Raceway System (IPRS) là công nghệ nuôi bền vững với mật độ cao giúp tăng năng suất nuôi...(26/06/2024 8:56 SA)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
117 người đã bình chọn
°
1285 người đang online