Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-TU ngày 20/4/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong đó lĩnh vực lâm nghiệp giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non làm dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn,...nhân nhanh và sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp mới với quy mô công nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Từ năm 2015 – 2024, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, Trung tâm DVNN các huyện, UBND các xã, xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo hướng công nghệ cao bằng giống keo lai mô, keo lá tràm mô trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích đạt được là 1.213,5 ha keo lai mô và 46 ha keo lá tràm mô. Các mô hình được thực hiện đồng bộ các khâu kỹ thuật từ phát dọn thực bì, làm đất, đào hố, bón phân, chăm sóc, bảo vệ rừng. Kết quả đến nay đã đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với đại trà (giống chủ yếu trồng từ keo hạt, keo hom, đào hố nhỏ, trồng mật độ dầy, chưa quan tâm đến bón phân...).

Mô hình trồng thâm canh rừng gỗ lớn cây keo lai mô 6 tháng tuổi tại xã Điền Quang huyện Bá Thước
Giống thực hiện trong các mô hình là giống mới được công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật có nguồn gốc địa chỉ rõ ràng, được sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô, cung ứng bởi các đơn vị có uy tín đảm bảo số và chất lượng, tuân thủ đúng quy trình quản lý giống lâm nghiệp… chủ yếu là các giống keo lai mô BV10, BV16, BV32, BV71, AH1, AH7; giống keo lá tràm mô Clt7, Clt18, Clt57. Mô hình áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh rừng gỗ lớn mọc nhanh, trồng theo phương thức trồng thuần loài với mật độ 1.330 cây/ha (cây cách cây 2,5m; hàng cách hàng 3,0m), chăm sóc và bón phân NPK 5:10:3 với lượng bón 0,2 kg/cây/năm.
Do được tập huấn, tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật, đến nay cây keo lai mô và keo lá tràm mô trong mô hình đều sinh trưởng phát triển tốt và vượt trội so với việc sử dụng các giống đại trà cũng như kỹ thuật đang áp dụng tại địa phương. Cụ thể, tỷ lệ sống trung bình đạt từ 95% trở lên, trong đó năm 2020 tỷ lệ sống trung bình đạt 95,2%, năm 2022 tỷ lệ sống trung bình đạt 95,3%, năm 2024 tỷ lệ sống là 95,1%. Một số điểm và một số hộ tỷ lệ cây sống đạt từ 96 - 98%. Trong khi đó, các giống keo khác đang trồng tại địa phương tỷ lệ sống chỉ đạt khoảng 80-85%, sau trồng 3-4 năm nhiều diện tích có hiện tượng cây chết do trồng dầy, bị bệnh nên mật độ giảm đáng kể.
Về khả năng sinh trưởng, mô hình trồng rừng bằng giống keo lai mô, keo lá tràm mô đều có khả năng sinh trưởng tốt hơn so với đại trà về chiều cao, đường kính sau các năm trồng. Cụ thể: Keo lai mô sau 2 năm trồng chiều cao trung bình đạt 7,0 - 8,0 m; đường kính D1,3 trung bình đạt 10cm (so với đại trà là 3,5 – 5,0m và 6,0 - 7,0cm). Đối với rừng sau 3 năm trồng chiều cao đạt từ 12 – 14 m; đường kính D1,3 trung bình đạt 13-15cm (so với đại trà 8-9m và 9,0 – 10cm). Keo lá tràm mô hơn 3 năm tuổi chiều cao Hvn đạt từ 14-15m, đường kính D1.3 trung bình đạt 15-17cm (so với keo tai tượng đang trồng đại trà tại địa phương là Hvn đạt từ 8-10m và D1.3 đạt từ 9-10cm). Mức tăng trưởng của keo lai mô và keo lá tràm mô đều đạt từ 20-25m3/ha. Khả năng tăng trưởng về năng suất rừng trồng cao hơn hẳn so với rừng trồng đại trà tại các điểm triển khai.
Bên cạnh ưu điểm có tính đồng đều cao, sinh trưởng nhanh, năng suất cao, chống chịu tốt và khả năng thích ứng rộng, keo lai mô và keo lá tràm mô còn có chất lượng gỗ tốt phù hợp với trồng rừng gỗ lớn, nhất là keo lá tràm mô là thân thẳng, ít phân cành, ít mấu mắt, gỗ chắc.

Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn cây keo lá tràm mô hơn 3 năm tuổi tại hộ ông Trần Văn Lập, thôn Quyết Tiến xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân
Các mô hình trồng keo lai mô đạt kết quả tốt, điển hình như: Hộ gia đình ông Thanh ở Ngọc Sơn, Ngọc Lặc, hộ gia đình nhà ông Thuận Thọ Bình, Triệu Sơn, hộ gia đình ông Mậu ở Xuân Phúc, Như Thanh; Hộ gia đình nhà ông Bình Ngọc Phụng, Thường Xuân và hộ gia đình ông Toán Xuân Phú, Thọ Xuân. Một số mô hình trồng keo lá tràm đạt kết quả tốt là ông Trần Văn Lập, thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng huyện Thường Xuân; ông Nguyễn Văn Huy thôn 13 xã Thọ Bình huyện Triệu Sơn.
Mô hình hiện nay đã được nhân rộng tại nhiều địa phương như: xã Ngọc Phụng, Luận Khê, Xuân Cao, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Yên Nhân huyện Thường Xuân; xã Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Phong huyện Như Xuân; xã Minh Sơn, Thuý Sơn, Thạch Lập huyện Ngọc Lặc; xã Xuân Phú, thị trấn Sao Vàng huyện Thọ Xuân; xã Thạch Lâm, Thành Long, Thạch Tượng huyện Thạch Thành; xã Cẩm Quý, Cẩm Tâm, Cẩm Châu huyện Cẩm Thủy; xã Thọ Bình, Bình Sơn huyện Triệu Sơn…
Một số mô hình thực hiện năm 5-7 năm đang tiếp tục chỉ đạo tỉa thưa với mật độ để lại thích hợp 800-900 cây/ha đảm bảo cây phân bố đều trong rừng, có triển vọng cung cấp gỗ lớn; đồng thời chỉ đạo chăm sóc bón phân, phát dọn dây leo, cây bụi để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi.
Kết quả xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô, keo lá tràm mô đã được chính quyền và bà con nông dân đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình, đã làm thay đổi cách nghĩ cách làm của bà con miền núi: Từ chỗ đa số bà con còn thờ ơ với việc trồng rừng, trồng chay, trồng dày, mua giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh rừng gỗ nhỏ… Đến nay, diện tích trồng thâm canh rừng bằng cây nuôi cấy mô được nhân rộng, các hộ đã trồng đảm bảo mật độ, liên hệ mua giống ở những nơi có địa chỉ rõ ràng, đầu tư bón phân cho trồng rừng, vì vậy chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, diện tích trồng rừng gỗ lớn ngày càng được nhân rộng. Với kết quả bước đầu này không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân miền núi và phát triển rừng theo hướng bền vững./.