Rừng luồng thoái hóa có các đặc điểm chủ yếu như: có đường kính nhỏ, chiều cao thấp, số cây/bụi ít, luồng bị sâu bệnh hại. Đất dưới tán rừng luồng bị xói mòn, trơ sỏi đá, bạc màu, bí chặt. Thực bì dưới tán rừng luồng đơn giản, cằn cỗi. Có rừng luồng xuất hiện tất cả các đặc điểm đó, tuy nhiên có rừng chỉ xuất hiện một vài đặc điểm. Rừng luồng bị thoái hóa do một hoặc nhiều nguyên nhân. Có thể chia mức độ thoái hóa rừng luồng thành 4 cấp như sau:
- Thoái hóa cấp 1 (cấp nhỏ nhất): Năng suất giảm so với trước <25%
- Thoái hóa cấp 2: Năng suất giảm so với trước từ 26-50%
- Thoái hóa cấp 3: Năng suất giảm so với trước từ 51-75%
- Thoái hóa cấp 4 (cấp cao nhất): Năng suất giảm so với trước trên 76%.
Nguyên nhân rừng luồng thoái hoá:
- Thoái hóa do đất xấu: Tỷ lệ cây hoặc bụi bị sâu, bệnh nhỏ hơn 10%. Trong quá trình canh tác không bón phân, không xới xáo nên đất cằn cổi và luồng xấu.
- Thoái hóa do khai thác quá mức: Tỷ lệ cây hoặc bụi bị sâu bệnh nhỏ hơn 10%. Khai thác quá mức so với quy định; khai thác chỉ để lại dưới 10 cây/bụi, chủ yếu còn cây tuổi 1 và 2, không có hoặc có dưới 10% số cây 3 tuổi trở lên.
- Thoái hoá do sâu vòi voi: Rừng luồng trồng đúng lập địa và khai thác theo đúng quy định, số cây (măng) bị sâu vòi voi đục chiếm trên 25%.
- Mật độ trung bình hiện tại: 250 bụi/ha (từ 150-350 bụi/ha)
Rừng luồng thoái hóa do đất bạc xấu
Rừng luồng thoái hóa do khai thác quá mức
Măng luồng bị sâu vòi voi phá hoại
Chăm sóc phục hồi rừng luồng thoái hoá: Nếu rừng thoái hóa ở cấp 1; cấp 2 và cấp 3 thì phân vào loại rừng thoái hóa có thể phục hồi được, nếu rừng thoái hóa cấp 4 thì không nên phục hồi vì việc phục hồi có thể được nhưng mất thời gian khá lâu và tốn kém.
- Chăm sóc phục hồi rừng luồng thoái hóa do đất xấu:
Bón phân (5kg phân hữu cơ và 3kg NPK/bụi cho năm 1 và năm 2, năm 3 bón 3kg phân hữu cơ và 2kg phân NPK/bụi, chia làm 2 lần/năm). Cuốc lật đất vành khăn quanh bụi luồng. Phát dọn thực bì.
- Chăm sóc phục hồi rừng luồng thoái hóa do khai thác quá mức:
Hạn chế khai thác, kết hợp bón phân (3kg phân hữu cơ và 2kg phân NPK/bụi cho năm 1 và năm 2; năm thứ 3 bón 2kg phân hữu cơ và 1 kg phân NPK/bụi; chia làm 2 lần/năm). Cuốc lật đất vành khăn quanh bụi luồng. Phát dọn thực bì.
- Chăm sóc phục hồi rừng luồng thoái hóa do sâu vòi voi: Dùng túi nilon chụp vào măng, kết hợp bón phân (3kg phân hữu cơ và 2kg phân NPK/bụi cho năm 1 và năm 2; năm thứ 3 bón 2kg phân hữu cơ và 1 kg phân NPK/bụi; chia làm 2 lần/năm). Cuốc lật đất vành khăn quanh bụi luồng. Phát dọn thực bì.