Một số lưu ý khi trồng, chăm sóc cây vụ Đông

Đăng ngày 03 - 11 - 2024
100%

Trong những năm gần đây, công tác chuyển dịch cơ cấu mùa vụ trên địa bàn tỉnh ta đã tạo điều kiện thuận lợi, giành nhiều quỹ đất để các địa phương mở rộng diện tích làm cây vụ đông. Vụ đông là vụ có quỹ thời gian ngắn song lại là vụ đem lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên sản xuất vụ đông thường gặp một số khó khăn về điều kiện thời tiết, có thể gặp mưa to ở đầu vụ, cuối vụ lượng mưa, nhiệt độ giảm dần, thời tiết hanh khô, thời điểm ra hoa đậu quả có thể gặp hạn, sương muối, nhiều đối tượng sâu bệnh có thể phát sinh gây hại... Vì vậy, để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Về giống và thời vụ: Cần chủ động nguồn giống gieo trồng; lựa chọn giống tốt có năng suất chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn; bố trí cơ cấu giống, diện tích sản xuất cho phù hợp; tuân thủ thời vụ gieo trồng và thực hiện rải vụ để tránh dư thừa sản phẩm trong thời gian chính vụ.

- Về chọn đất, làm đất: Đất phải chủ động tưới tiêu, đặc biệt là thoát nước tốt. Áp dụng các biện pháp làm đất đơn giản để tiết kiệm thời gian, tranh thủ ẩm độ đất. Yêu cầu vệ sinh đồng ruộng, cày sâu, lên luống cao và vét rãnh thoát nước xung quanh ruộng để tiêu nước tốt sau mỗi đợt mưa lớn.

- Về kỹ thuật trồng, chăm sóc một số cây vụ đông:

+ Đối với cây ngô: Áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo thẳng hạt hoặc đặt bầu xuống gốc rạ. Bón lót đầy đủ phân trước khi trồng. Trồng đảm bảo mật độ đạt từ 6-7 vạn cây/ha (hàng x hàng là 70 cm, cây x cây 20-25 cm), đối với các giống ngô nếp có thể gieo mật độ cao hơn. Sau trồng cần chủ động khâu tưới tiêu, chắm dặm kịp thời để đảm bảo mật độ; bón thúc đúng, đủ và cân đối dinh dưỡng cho ngô ở thời kỳ 4-5 lá, 7-9 lá và khi ngô xoắn nõn. Bón phân phải xa gốc, kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun luống và tưới nước. Lưu ý phòng trừ bệnh nghẹt rễ, vàng lá, huyết dụ, sâu xám ở giai đoạn cây con, sâu keo mùa thu trong suốt giai đoạn phát triển.

+ Đối với cây lạc: Áp dụng biện pháp che phủ nilon, rơm rạ để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tăng năng suất lạc. Bón lót đầy đủ, cân đối trước khi trồng. Sau khi trồng 4-5 ngày tiến hành chắm dặm để đảm bảo mật độ; xới phá váng nếu thời điểm sau trồng gặp mưa to. Khi lạc ra hoa rộ - tắt hoa, cần bón bổ sung 15-20 kg vôi bột hoai để tăng khả năng hình thành và phát triển quả. Cây lạc thường bị một số đối tượng sâu bệnh hại chính như: sâu ăn lá, sâu xám, cào cào, châu chấu, bệnh đốm nâu, đốm đen, gỉ sắt, sương mai, héo xanh vi khuẩn…Cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối hợp lý để cây lạc sinh trưởng phát triển khoẻ, hạn chế sâu bệnh hại.

+ Đối với cây đậu tương: Áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu và sử dụng hình thức gieo vãi, phạt rạ lấp đậu để tránh bị trôi giống và bảo vệ cây con. Cần vét rãnh xung quanh ruộng và trong ruộng theo chiều rút nước để thoát nước tốt khi gặp mưa. Khi gieo phải đảm bảo đất đủ ẩm để hạt mọc nhanh và đều. Khi đậu có 2 lá đơn + 1 lá thật phải phun thuốc phòng trừ dòi đục thân, bệnh lở cổ rễ. Tiến hành chăm bón khi đậu có 3-4 lá, 7-8 lá. Chú ý phun thuốc phòng trừ sâu đục hoa, đục quả khi cây bắt đầu ra hoa và khi có quả non.

+ Đối với cây rau, đậu: Đất trồng phải được làm nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại, lên luống cao và có rãnh thoát nước khi gặp mưa lớn. Xử lý đất diệt trừ mầm bệnh, mối, kiến, dế trong đất trước khi gieo trồng. Gieo đều, sau khi gieo cần phủ bằng rơm rạ hoặc lớp trấu mỏng để giữ ẩm và hạt không bị dồn khi tưới nước hoặc gặp mưa lớn. Hạt rau có kích thước lớn như: đậu cô ve, bầu, bí….cần tiến hành xử lý và ngâm ủ hạt giống nảy mầm trước khi trồng. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh…Chủ động các nguyên vật liệu để làm giàn cho các cây như: Cà chua, bí, đậu….Đối với các loại rau ăn củ, quả các loại như: Cải củ, cà rốt, su hào, dưa, bí…áp dụng biện pháp kỹ thuật như lên luống cao và che phủ nilon hoặc che phủ rơm rạ để sản xuất củ quả an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến một số biện pháp chăm sóc khác như: Bấm ngọn, tỉa nhánh, thụ phấn bổ sung, chống hạn, úng … giúp cây vụ đông sinh trưởng phát triển thuận lợi và cho năng suất cao nhất./.

<

Tin mới nhất

“Nguyên chủng” trong “Giống Nguyên chủng” là gì?(06/01/2025 2:33 CH)

Làm giàu từ nghề nuôi cá giống(31/12/2024 8:40 SA)

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi trong những năm gần đây(03/12/2024 9:12 SA)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng TBKT trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác,...(20/11/2024 3:55 CH)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền vững”(20/11/2024 3:51 CH)

Phổ biến, chia sẻ thông tin về Sáng kiến ESG Việt Nam 2025 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng...(15/11/2024 3:48 CH)

Tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền...(11/11/2024 1:37 CH)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Các giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền...(10/11/2024 7:22 SA)

Hiệu quả từ mô hình trồng Dưa lưới trong nhà màng(10/11/2024 7:19 SA)

Một số lưu ý khi trồng, chăm sóc cây vụ Đông(03/11/2024 3:20 CH)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
148 người đã bình chọn
°
1431 người đang online