Các lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ các hoạt động tuyên truyền thuộc chương trình thực hiện nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Huyện Quan hóa có diện tích rừng tự nhiên là 52.731,88 ha, là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Người dân ở đây đa phần là người dân tộc thiểu số, có vốn kiến thức về quản lý bảo vệ rừng cũng như về đảm bảo an toàn môi trường xã hội chưa cao. Trên cơ sở đó, ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân trong quản lý bảo vệ rừng và đảm bảo an toàn môi trường xã hội trong thực hiện ERPA.
Các lớp được tổ chức từ ngày 13/12/2024 đến hết ngày 17/12/2024 tại hội trường khách sạn Sông Mã Quan Hóa, thị trấn Hồi Xuân, Huyện Quan Hóa, hướng đến đối tượng là các chủ rừng tổ chức, Hạt kiểm lâm huyện, UBND các xã, các ban quản lý thôn, bản. Gồm 02 lớp: Lớp 01 tổ chức vào các ngày 13-14, tập huấn về nâng cao năng lực trong quản lý, bảo vệ rừng; Lớp 02 tổ chức vào các ngày 15-16-17, tập huấn về nâng cao năng lực trong thực hiện bảo đảm an toàn môi trường và khiếu nại, tố cáo trong thực hiện ERPA.
Ông Hà Mình Tâm – Phó giám đốc Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng chống thiên tai tỉnh thanh Hóa Phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự lớp tập huấn, có đại diện Lãnh đạo thuộc ban quản lý Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh thanh Hóa, đại diện Phòng nông nghiệp huyện Quan Hóa, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Quan Hóa, Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, UBND cấp xã, Cộng đồng dân cư có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng trên địa bàn huyện Quan Hóa.
Buổi giảng dạy của Cô giáo và các học viên
Tại Hội nghị tập huấn, Cô Bùi Thị Huyền, Giảng viên tới từ trường Đại học Hồng Đức đã truyền dạy, hướng dẫn thực hiện Quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn môi trường và xã hội cho các học viên. Giúp các học viên nắm chắc, hiểu rõ quy trình thực hiện quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức các tổ đội tuần tra, các quy định khi tham gia phòng, chữa cháy rừng cũng như xác định vai trò và trách nhiệm phù hợp của các học viên khi tham gia quản lý và giám sát các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến các can thiệp của ERPA.
Ngoài ra, lớp còn tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm từ một số thôn bản đã có kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý, bảo vệ rừng, Phòng cháy, chữa cháy rừng; giúp các học viên nắm được cách vận hành trong thực tiễn và có thể ứng dụng ngay với cộng đồng của họ.
Quá trình tập huấn diễn ra một cách khách quan, trung thực. Các học viên đều thảo luận sôi nổi và đưa ra các ý kiến khác nhau về tình hình thực tế, khó khăn, tồn tại, vướng mắc của thôn, bản của mình, giúp hội nghị có chiều sâu hơn, đúng thực tế mà chương trình tập huấn đề ra.
Tham quan học hỏi kinh nghiệm tại thôn Pọng Kame, xã Phú Nghiêm
Sau khi kết thúc khóa tập huấn, các học viên đều được nâng cao nhận thức, nắm chắc các kỹ năng, kỹ thuật cần thiết, ứng dụng thực tiễn trong quản lý, bảo vệ rừng theo chương trình ERPA nói riêng và Quản lý, bảo vệ rừng bền vững nói chung. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.
Lê Đức Khánh-BQL Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa