Trong tháng 9 năm 2024, trên địa bàn tỉnh phải chịu ảnh hưởng liên tiếp của 02 cơn bão (cơn bão số 3 và số 4), nhiều đợt mưa lớn, lũ kéo dài gây ngập lụt các vùng trũng thấp, khu vực ven sông, bãi sông và sạt lở nhiều vị trí; cụ thể như sau:
- Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão số 3, sau là dải hội tụ nhiệt
đới trục đi qua khu vực Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn diện rộng.
Tính từ ngày 06/9/2024 đến 19 giờ ngày 13/9/2024, lượng mưa phổ biến đo
được từ 200 - 350mm, có nơi lớn hơn như: KT Bái Thượng 405mm, KT Nga
Sơn 403mm; TV Kim Tân 395mm; KT Hồi Xuân 387,5mm. Các triền sông trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên sông Bưởi xấp xỉ mức Báo động 3; thượng nguồn sông Mã trên mức Báo động 2; hạ lưu sông Mã, sông Lèn, sông Cầu Chày trên mức Báo động 1.
- Do ảnh hưởng của bão số 4 và các hình thái thời tiết gây mưa (dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới - sau là bão số 4 và dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc và Trung Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh tăng cường), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn diện rộng. Tính từ ngày 17/9/2024 đến ngày 23/9/2024, lượng mưa phổ biến đo được từ 250-350mm; có nơi lớn hơn như: TV Cửa Đạt 435mm; TV Xuân Vinh 387mm; TV Lý Nhân 373mm. Mưa lớn và lũ từ thượng nguồn gây ra một đợt lũ trên các triền sông trên địa bàn tỉnh; mực nước đỉnh lũ trên sông Mã tại Trạm Lý Nhân đã vượt mức Báo động 2, trên sông Lèn tại Trạm Lèn đã đạt mức Báo động 3, trên sông Bưởi tại Trạm Kim Tân đã vượt mức Báo động 3, trên sông Chu tại Trạm Xuân Khánh đã vượt mức Báo động 1, trên sông Cầu Chày tại Trạm Xuân Vinh xấp xỉ mức Báo động 3.
Mưa lũ đã gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất của Nhân dân; đặc biệt có nhiều vị trí xảy ra sạt lở, hư hỏng, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản đối với các khu dân cư, trường học, đường giao thông; để đảm bảo an toàn cho người và tài sản UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp một số khu vực sạt lở, nguy hiểm, cụ thể như sau:
1. Sạt lở đất mái taluy dương kênh Chính Cửa Đạt đoạn từ K6+300-K6+500 xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc
2. Sự cố hư hỏng cống Nổ Thôn tại K26+711 tuyến đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc
3. Sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn
4. Sạt lở bờ hữu sông Âm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.
5. Sạt lở bờ suối Cái tại thôn Quang Trung, xã Lương Trung, huyện Bá Thước.
6. Sạt lở đất tại thị trấn Kim Tân và các xã Thành Yên, Thành Trực, huyện Thạch Thành.
Để đảm bảo an toàn, UBND tỉnh đã giao các địa phương: Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai và tình hình các công trình bị sạt lở, hư hỏng, báo cáo kịp thời khi có các tình huống phát sinh, nguy hiểm xảy ra; đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Tiếp tục tổ chức sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán/di dời, không để ai bị đói, rét, không có nơi ở. Thông báo và thực hiện các biện pháp cảnh báo, tổ chức cắm biển sự cố, khoanh vùng, lập hàng rào chắn, cử người canh gác 24/24h tại khu vực sạt lở, hư hỏng, không để người, phương tiện và vật nuôi đi vào khu vực nguy hiểm. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, thực hiện các biện pháp xử lý, gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển sạt lở, hư hỏng.