Trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hiện nay. Với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng các mô hình rừng trồng gỗ lớn theo hướng bền vững, chuyển giao nhanh các TBKT về giống cây lâm nghiệp mới có khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, tạo sinh khối lớn; các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả ..... nhằm tăng năng suất và chất lượng rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gia dụng, gỗ xuất khẩu, hạn chế sự lệ thuộc vào rừng tự nhiên, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Đồng thời sẽ giảm dần diện tích rừng trồng có sinh khối thấp, tăng diện tích rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non làm dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn ....
Là một xã miền núi cách trung tâm huyện Bá Thước khoảng 12km, xã Điền Quang có tổng diện tích tự nhiên là 2.561,68ha, trong đó diện tích đất rừng 1697,10ha; diện tích rừng sản xuất 1308,8 ha. Được sự quan tâm của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, năm 2024 Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn theo hướng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm (keo lai mô)" tại xã Điền Quang, huyện Bá Thước. Quy mô: 13 ha, số hộ tham gia: 10 hộ.
Mô hình đã áp dụng những TBKT đồng bộ từ các khâu xử lý thực bì, đào hố, cuốc hố, lấp hố, bón lót trước khi trồng. Hố đào đúng kích thước (30 x 30 x 30)cm, bón lót 0,3 kg phân NPK 5.10.3. Cây giống được lựa chọn là giống keo lai được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô từ dòng AH1. Cây giống, phân bón được mua ở các cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trồng đúng mật độ 1.660 cây/ha, cây cách cây 2m; hàng cách hàng 3m.
Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng, được hỗ trợ 70% cây giống và phân bón, đồng thời các hộ tham gia đối ứng 30%. Tổng các loại vật tư phân bón, cây giống cho các hộ tham gia mô hình là: 4.316 kg phân NPK 5:10:3 và 23.738 cây giống keo lai mô (kể cả đối ứng). Sau khi được cấp phát cây giống các hộ đã tiến hành trồng xong trong tháng 5/2024.
Sau 4 tháng trồng đến nay cây sinh trưởng tốt, cây cao trung bình từ 1,5-1,7m, đường kính gốc 1,7-2cm. Rừng trồng vượt trội hơn so với đại trà 20-25% (so với cây trồng đại trà cùng thời điểm chỉ cao 1-1,2m, đường kính đạt 1,2-1,3cm), cây sinh trưởng tốt, không sâu bệnh. Trong đó điển hình là hộ gia đình ông Chương Văn Dương, Bùi Đình Huấn là những hộ gia đình đã đầu tư chăm sóc phát dọn thực bì, bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật, vì vậy cây sinh trưởng rất nhanh, cá biệt có những cây cao 2 m, đường kính đạt 2,5 cm, cây sinh trưởng tốt. Đây là hộ tham gia mô hình thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu đào hố, lấp hố, đến trồng và chăm sóc nên rừng trồng sinh trưởng tốt hơn so với các hộ cùng tham gia. Đây là mô hình tiêu biểu để các hộ tham gia và những hộ trên địa bàn đến tham quan học tập áp dụng làm theo. Dự kiến hiệu quả kinh tế dự kiến đến khi thu hoạch chu kỳ 12 năm sau khi trừ chi phí đạt 400 - 450 triệu đồng/ha/chu kỳ. Trung bình mỗi năm cho thu nhập 33 - 38 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,5 - 3 lần so với chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ và vượt trội hơn so với đại trà từ 40 - 45%.
Để có được những kết quả đạt được như trên là do trong quá trình thực hiện các hộ tham gia đã tuân thủ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và cán bộ chỉ đạo giám sát, thực hiện ứng dụng đầy đủ những TBKT trong các khâu kỹ thuật. Bên cạnh đó mô hình nhận được sự quan tâm của lãnh đạo xã, chính quyền địa phương, các hộ tham gia và các hộ trên địa bàn đánh giá rất cao về những kết quả bước đầu đã đạt được. Nhận thấy được điều đó các hộ cũng mong muốn mô hình sẽ được tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn các xã, huyện trong những năm tiếp theo và đề nghị có những chính sách ưu đãi về vốn để đầu tư chăm sóc cho ngành lâm nghiệp để giảm bớt khó khăn cho bà con miền núi, vùng sâu vùng xa giúp nâng cao thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững. Thông qua việc thực hiện mô hình giúp bà con nông dân trên địa bàn thay đổi dần cách nghĩ, cách làm và tập quán sản xuất, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người trồng rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Đồng thời tạo ra những mô hình có những ưu điểm vượt trội so với diện tích rừng tập trung là nơi tham quan học tập cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
MH Keo lai mô sau 4 tháng trồng tại xã Điền Quang - Bá Thước