Vườn quốc gia Bến En được thành lập ngày 27/01/1992 theo quyết định số 33/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Vườn nằm trên địa phận hành chính hai huyện Như Xuân và Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa, nằm cách thành phố Thanh Hóa 45km về phía Tây Nam, hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là 14.305,09ha. Có chức năng bảo tồn hệ sinh thái rừng núi đất đai thấp thuộc khu vực Bắc Trường Sơn, đảm bảo năng lực phòng hộ đầu nguồn và môi trường cảnh quan khu vực Tây Nam tỉnh Thanh Hóa.
Vườn Quốc gia Bến En có một khu hệ động, thực vật vô cùng phong phú với 1.417 loài thực vật, 1.536 loài động vật. Trong đó có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong IUCN 2019, DLĐVN 2007, NĐ 84/2021/NĐ-CP và trong danh lục của CITES.
Vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En có tổng diện tích là 39.571,4 ha. Bao gồm 34 thôn thuộc 10 xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với 13.844 hộ, 52.232 nhân khẩu. Trong đó có 5 thôn sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia với 569 hộ với 2.425 khẩu. Trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Bến En có mật độ dân số cao, trình độ canh tác lạc hậu, thu nhập thấp, đời sống kinh tế rất khó khăn, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng, gây áp lực lớn đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bến En.
Một trong những giải pháp có tầm chiến lược lâu dài để bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và môi trường hiện nay tại các Khu rừng đặc dụng là phải nâng cao hiệu quả giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học, pháp luật bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học cho cộng đồng địa phương. Vườn Quốc gia Bến En cũng không ngoại lệ, lấy giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học gắn với tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân là nhiệm vụ trọng yếu.
Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En hàng năm giao Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền tập trung trong hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật quản lý bảo vệ và phát triển rừng là cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ bảo vệ rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng sống ven rừng, các hộ nhận khoán. Hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại thôn bản còn giới thiệu đến cộng đồng địa phương những thành quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học, tình trạng của các loài nguy cấp; hiệu quả của các mô hình hỗ trợ phát triển vùng đệm, mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi động vật hoang dã, nhằm khuyến thích nhân dân vùng đệm phát triển các mô hình sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.
Qua các buổi tuyên truyền, ban quản lý cũng nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người dân quanh vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En và phản ánh đến các cấp có những chủ trương, chính sách phù hợp phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho họ để giảm áp lực lên rừng.
Nhờ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, pháp luật lâm nghiệp cho người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En, trong những năm gần đây đã giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan tới đa dạng sinh học của người dân trong vùng đệm. Huy động, thu hút được nhiều thành viên trong cộng đồng tham gia tổ bảo vệ rừng, do cộng đồng thôn vùng đệm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với Vườn Quốc gia Bến En.
Ngoài ra, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En cũng tăng cường nâng cao năng lực của cán bộ về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Từ đầu năm tới nay, Vườn Quốc gia Bến En đã tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị: Kỹ năng nhận diện động vật hoang dã; điều tra giám sát đa dạng sinh học, nghiệp vụ thanh tra pháp chế, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, kỹ năng tuyên tuyền, phòng cháy chữa cháy cứu hộ cứu nạn, kỹ năng giáo dục truyền thông môi trường đối với cộng đồng và biện pháp quản lý đối tượng vi phạm trong cộng đồng.
Nhờ các giải pháp trên, Vườn Quốc gia Bến En đang bảo vệ tốt đa dạng hệ sinh thái rừng được giao quản lý.
Một số hình ảnh