Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc

Đăng ngày 26 - 02 - 2025
100%

I. Giới thiệu về bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM)

1. Khái niệm bệnh

 Bệnh Lở mồm long móng gia súc (Foot and Mouth Disease) là bệnh truyền nhiễm ở loài động vật móng guốc chẵn, lây lan mạnh, gây ra bởi vi rút thuộc họ Picornaviridae, giống Aphthovirus. Vi rút có 7 típ: A, O, C, Asia 1, SAT 1, SAT 2, SAT 3 với hơn 60 phân típ; khu vực Đông Nam Á thường thấy 3 típ: O, A và Asia 1; tại Việt Nam đã phát hiện típ O, A và Asia 1.

 2. Sức đề kháng của vi rút:

Vi rút Lở mồm long móng dễ bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao; vi rút tồn tại nhiều tháng trong thịt đông lạnh, 425 ngày ở 0 - 4oC, 5 - 15 phút ở 60°C, chết nhanh ở 100oC; vi rút dễ bị tiêu diệt bởi các chất có độ toan cao (pH ≤ 3) và các chất kiềm mạnh như xút (pH ≥ 9); vi rút sống khoảng 07 ngày trong các chất thải hữu cơ ở chuồng nuôi và các chất có độ kiềm nhẹ (pH từ 7,2 - 7,8).

3. Nguồn bệnh và đường truyền lây

 a) Loài mắc bệnh: Loài động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai,....

b) Nguồn bệnh: Vi rút có trong nước bọt, dịch mụn nước, sữa, tinh dịch, các chất bài xuất, bài tiết của con vật mắc bệnh; dịch tiết trong đường hô hấp trên của người có thể lưu giữ vi rút trong 24 - 48 giờ. Vi rút Lở mồm long móng thường được bài xuất ra ngoài trước khi con vật có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh; với típ O, lợn bài xuất vi rút trước khi có dấu hiệu lâm sàng đầu tiên 10 ngày, bò và cừu 05 ngày, trung bình 2,5 ngày. Lợn mắc bệnh có thể bài thải 400 triệu đơn vị lây nhiễm vi rút Lở mồm long móng/ngày; loài nhai lại bài thải khoảng 120 ngàn đơn vị lây nhiễm/ngày.

 c) Đường truyền lây

- Lây trực tiếp: Do tiếp xúc giữa động vật mẫn cảm và động vật mắc bệnh khi nhốt chung, hoặc chăn thả chung trên đồng cỏ.

- Lây gián tiếp: Qua thức ăn, nước uống, máng ăn, máng uống, nền chuồng, dụng cụ chăn nuôi, tay chân, quần áo người chăn nuôi bị nhiễm vi rút. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống có mang mầm bệnh (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa).

4. Triệu chứng lâm sàng

 Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, nhiều nhất 21 ngày; động vật mắc bệnh có triệu chứng sốt cao trên 40oC, kém ăn hoặc bỏ ăn, chảy nhiều nước bọt, chân đau, mụn nước xuất hiện ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng, kẽ móng và đầu 2 vú. Khi mụn nước vỡ ra làm mồm con vật lở loét và dễ làm long móng, nhất là ở lợn bệnh. Sau khi phát bệnh 10 - 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể (03 - 04 tuần đối với lợn, 02 - 03 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê) và được bài thải ra môi trường làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Một số hình ảnh về tổn thương ở niêm mạc miệng và kẽ móng ở bò và lợn

5. Bệnh tích

Bệnh tích của bệnh Lở mồm long móng tương đối nhẹ; các mụn nước, vết loét ở miệng, chân và vú có thể nặng lên nếu nhiễm khuẩn kế phát gây thối, rụng móng, viêm khớp, viêm dây chằng. Một số trường hợp xuất hiện nhiều mụn nước ở họng, thực quản, dạ dày và ruột. Viêm xuất huyết toàn bộ đường ruột từ miệng tới hậu môn. Cơ tim biến chất, mềm, dễ nát, có vết xám, trắng nhạt hay vàng nhạt (tim có vằn). Màng tim sưng, chứa nước trong hơi đục. Màng tâm nhĩ có chấm xuất huyết đỏ bằng đầu đinh ghim.

II. Phòng, chống bệnh

Triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh LMLM trên gia súc theo Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1. Phòng bệnh

 - Rà soát, thống kê số lượng gia súc trên địa bàn; tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc từ vùng này sang vùng khác; chủ động theo dõi giám sát kịp thời, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tiêm phòng cho gia súc chưa được tiêm vắc xin LMLM hoặc đã tiêm vắc xin nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh. Quản lý tốt nguồn nước, thức ăn con giống.

- Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi tập trung buôn bán, chăn thả gia súc, vùng nguy cơ cao, chú trọng sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng...;

- Tăng cường sức đề kháng cho con vật bằng cách cung cấp thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đủ nguồn nước sạch cho gia súc. Hàng ngày chú ý quan sát con vật, khi thấy biểu hiện không bình thường như các triệu chứng trên cần báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn gần nhất.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh LMLM đến toàn thể nhân dân để nhân dân biết và tích cực tham gia phòng chống dịch.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột

2. Xử lý bệnh LMLM, chống dịch

- Phân công lực lượng, rà soát tình hình chăn nuôi, tăng cường giám sát phát hiện sớm các hộ gia đình có gia súc mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch 01 ngày 1 lần (trong tuần đầu tiên) và 02 ngày 1 lần trong các tuần tiếp theo, các thôn chưa có dịch tiêu độc 02 ngày 1 lần.

- Xử lý gia súc mắc bệnh:

+ Đối với trâu, bò, dê, cừu , hươu, nai: Tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên mới xuất hiện tại thôn; hoặc gia súc mắc bệnh do nhiễm típ vi rút Lở mồm long móng mới; hoặc típ vi rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây. Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên, khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy, được giết mổ tiêu thụ tại chỗ; hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).

+ Đối với lợn: Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn mắc bệnh có triệu chứng lâm sàng điển hình trong ổ dịch, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch; cách ly lợn khỏe mạnh trong cùng đàn với lợn mắc bệnh để theo dõi.

+ Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh Lở mồm long móng, thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng và xử lý ổ dịch theo quy định.

- Tổ chức tiêm phòng cho gia súc mẫn cảm tại các thôn, xóm nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia súc mẫn cảm tại các thôn, xóm chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch.

- Nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc và sản phẩm gia súc trên địa bàn xã trong thời gian có dịch.

- Lập các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn xã với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ... trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia súc, sản phẩm gia súc ra ngoài vùng dịch. Đặt biển báo khu vực có dịch, tổ chức tiêu độc các phương tiện vận chuyển từ vùng dịch ra ngoài.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

<

Tin mới nhất

Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc(26/02/2025 1:33 CH)

Kết quả phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giá cả, thị...(11/02/2025 8:45 SA)

Nhiều khu vực tại Thanh Hóa rét đậm, rét hại(20/01/2025 8:25 SA)

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản...(20/12/2024 10:16 CH)

Thông báo tiếp nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi (15/11-12/12)(13/12/2024 10:28 SA)

Chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi(12/12/2024 4:11 CH)

Kết quả phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi...(03/11/2024 3:29 CH)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN HỒ SƠ CÔNG BỐ HỢP QUY QUÝ III NĂM 2024(17/10/2024 8:22 SA)

Phân bổ hóa chất, vật tư thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2024(30/09/2024 3:22 CH)

Hướng dẫn cách xác định độ tuổi của Dê và phòng chống một số bệnh thường gặp trên đàn Dê(28/08/2024 9:46 SA)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
152 người đã bình chọn
°
619 người đang online