Mô hình nuôi ốc Nhồi ở Hà Vinh – Hà Trung

Đăng ngày 09 - 09 - 2024
100%

Ốc nhồi là loại thực phẩm dễ chế biến, dễ ăn nên được nhiều người ưa thích. Trước đây, loài ốc này sinh sản, phát triển nhiều ở điều kiện tự nhiên. Thế nhưng, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện tự nhiên, một phần do khai thác nhiều nên loài ốc này ngày càng trở nên khan hiếm. Từ thực trạng đó anh Vũ Văn Hiệp, thôn Đại Lợi, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung đã tìm hiểu nuôi và sinh sản ốc nhồi.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình, anh Vũ Văn Hiệp quê Hà Vinh, Hà Trung đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi thương phẩm và cho sinh sản ốc nhồi từ năm 2019.

Với diện tích 5.000m2 đất trồng lúa thu nhập thấp, anh Hiệp đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang đào ao xây dựng khu nuôi và sinh sản nhân tạo ốc nhồi. Những năm đầu mới nuôi, do chưa nắm chắc kỹ thuật, nên anh Hiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và chăm sóc.  Không nản chí,  anh tiếp tục tìm hiểu qua sách báo, intrenet, qua bạn bè và các hội nhóm trên mạng xã hội, nâng cấp và đầu tư trang trại bài bản hơn. Anh cho biết, thức ăn của ốc nhồi là các thực vật thủy sinh như: cây bèo cám, bèo tây, rau muống, các loại rong, rêu bám ở nền đá hay các giá thể bám khác. Nhiều loại thực vật trên cạn cũng là thức ăn ưa thích của ốc như: lá sắn, rau muống, rau lang, rau ngót, bí đao, …. Ngoài ra, có thể cho ốc ăn thêm các loại thức ăn bổ sung như: thức ăn công nghiệp có hàm lượng độ đạm cao...., giúp ốc nhanh lớn và có sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh.

Anh chia sẻ, ốc nhồi nuôi không khó nhưng cũng không phải dễ. Ốc rất mẫn cảm với nước bẩn và thời tiết thay đổi nên trong quá trình chăm sóc, người nuôi cần nắm rõ kỹ thuật, theo dõi sát sao sự sinh trưởng, phát triển của con ốc; thường xuyên vệ sinh ao nuôi sạch sẽ; chú ý mật độ nuôi phù hợp, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để ốc miệng đầy, mình béo, đạt năng suất cao. Đặc biệt, về mùa đông, ốc nhồi có tập tính “ngủ đông”, nên lúc này, người nuôi cần dành thời gian để cải tạo ao hồ và dưỡng ốc cho các vụ tiếp theo.

Ốc nhồi thường có thời gian sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch. Khi ốc sinh sản cần gom trứng về ấp để tỷ lệ nở cao, thời gian ấp trứng từ 5 đến 10 ngày ốc nở 1 tổ. Ốc nhồi thường đẻ trứng vào ban đêm ở bờ ao hoặc trên thân bèo, rau muống sau khoảng 8-12 tiếng vỏ trứng khô lại thì mới thu gom bỏ vào khay nhựa đặt trên mặt nước trong thùng xốp, che hoặc đậy bằng tấm vãi vải để giữ ẩm cho ốc, hằng ngày xịt nước 1- 2 lần giữ ẩm. Trứng ốc khi nở thành con mất thời gian từ 15-20 ngày, nuôi dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống.

Đối với ốc nhồi thương phẩm, thời gian nuôi khoảng trên 3 tháng đạt kích cỡ 25-30 con/kg là có thể xuất bán; nuôi thêm 02 tháng nữa, ốc bắt đầu cho sinh sản.

Hiện nay, anh Hiệp bán ốc thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh có giá 75 nghìn đồng đến 90 nghìn đồng/kg. Năm 2023, gia đình anh Hiệp xuất bán trên 3 tấn ốc thương phẩm, 100 vạn ốc giống, giá bán ốc giống 3 triệu/ vạn con. Trừ chi phí năm 2023 anh thu về 400 triệu đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã xuất bán được 25 vạn ốc giống.

Hiện nay anh Hiệp mới đầu tư một khu sơ chế, chế biến ốc thành phẩm với quy mô vừa phải với các sản phẩm như: chả ốc nhồi ống nứa, ruột ốc khều thành phẩm…. tất cả các sản phẩm đều được đóng gói hút chân không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra sản phẩm chả ốc nhồi ống nứa của anh đã đạt Ocoop 3 sao.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Hiệp được xem là một trong những hướng đi khả quan cho nghề nông nghiệp. Đặc biệt là các hộ nông dân trong xã Hà Vinh muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng bảo vệ môi trường. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

<

Tin mới nhất

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống vật nuôi trong những năm gần đây(03/12/2024 9:12 SA)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng TBKT trong phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác,...(20/11/2024 3:55 CH)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền vững”(20/11/2024 3:51 CH)

Phổ biến, chia sẻ thông tin về Sáng kiến ESG Việt Nam 2025 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng...(15/11/2024 3:48 CH)

Tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây dưa hấu hiệu quả, bền...(11/11/2024 1:37 CH)

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề: “Các giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi bền...(10/11/2024 7:22 SA)

Hiệu quả từ mô hình trồng Dưa lưới trong nhà màng(10/11/2024 7:19 SA)

Một số lưu ý khi trồng, chăm sóc cây vụ Đông(03/11/2024 3:20 CH)

Sử dụng công nghệ nano bạc tạo sản phẩm nông nghiệp sạch(03/11/2024 3:18 CH)

Chọn nguyên liệu và quản lý chất độn chuồng trong chăn nuôi giai cầm(19/10/2024 10:51 CH)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
147 người đã bình chọn
°
542 người đang online