Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi

Đăng ngày 19 - 05 - 2024
100%

Trước thực tế số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng tăng thì ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất được xem là một trong những giải pháp tối ưu, mang lại nhiều lợi ích cho người trực tiếp sản xuất cũng như góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.

Một hộ chăn nuôi gà ở xã Đông Phú (Đông Sơn) trộn chế phẩm sinh học làm đệm lót.

Ông Nguyễn Chí Lợi, hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Quảng Ninh (Quảng Xương), cho biết: “Đối với những hộ chăn nuôi gia cầm, men vi sinh Balasa N01 không còn xa lạ bởi đây là loại men vi sinh có chứa các tế bào sống của các chủng vi khuẩn, nấm men, nấm sợi, enzyme thủy phân các chất hữu cơ, có tác dụng phân hủy chất thải chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, sử dụng các loại men vi sinh này cũng khá dễ dàng như trộn cùng cám gạo, bột ngô, nước, trấu hoặc mùn cưa để làm lớp lót chuồng; cho vào bể biogas để giảm mùi hôi, pha men cùng nước, mật rỉ đường... phun hỗn hợp lên nền chuồng...”. Cũng theo ông Lợi, sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích, như: giá thành các loại men khá rẻ, dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, vật nuôi khỏe mạnh, ít bệnh tật, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt khử mùi hôi trong chất thải chăn nuôi... Bên cạnh đó, việc áp dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi còn góp phần thay đổi thói quen, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân hữu cơ tốt cho cây trồng.

Hiện nay, có nhiều loại chế phẩm sinh học được áp dụng phổ biến, như: chế phẩm EM, men vi sinh Sacharomyces, PM2, BioZym... giúp gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, khử mùi hôi, tạo môi trường sạch... Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ vi sinh thì người dân còn tự sản xuất các loại chế phẩm sinh học để chủ động ứng dụng vào sản xuất cũng như cung cấp ra thị trường những loại chế phẩm chất lượng. Chị Lê Thị Quyên, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa), cho biết: "Sau khi được tham gia lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức về cách sản xuất chế phẩm sinh học EM, tôi đã làm thử nghiệm từ các loại nguyên liệu là phế phẩm nông nghiệp, như: vỏ trái cây, rau, củ, quả rửa sạch, băm nhỏ, trộn với đường, tỏi, ớt và một số phụ gia khác để ngâm, ủ lên men rồi chắt lấy nước... Chế phẩm này tập hợp được các vi sinh vật có ích, có thể khử mùi hôi thối của chuồng trại hoặc trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng sức đề kháng và tiêu hóa cho vật nuôi, giúp vật nuôi lớn nhanh, ít bệnh tật... Hiện nay, tôi đang cung cấp chế phẩm EM cho nhiều trang trại chăn nuôi trong và ngoài tỉnh".

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 100% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, 90% trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 75% trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và 23% hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm, có 100% trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 95% trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 88% trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và 32% hộ áp dụng công nghệ vi sinh sử dụng đệm lót sinh học. Nhiều chủ trang trại còn sử dụng chế phẩm sinh học EM để trộn vào thức ăn cho gà giúp bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao khả năng miễn dịch cho gia cầm, giảm được mùi hôi thối khu vực nuôi. Đối với chăn nuôi trâu bò, có 60% các hộ sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao sức đề kháng cho gia súc vào những ngày giá rét, thời tiết chuyển mùa.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi đã thấy rõ qua các mô hình. Tuy nhiên, để phương pháp này được ứng dụng rộng rãi, đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về hiệu quả của ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng các loại men vi sinh đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, ứng dụng, nhân rộng mô hình.

<

Tin mới nhất

Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản...(20/12/2024 10:16 CH)

Thông báo tiếp nhận hợp quy thức ăn chăn nuôi (15/11-12/12)(13/12/2024 10:28 SA)

Chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi(12/12/2024 4:11 CH)

Kết quả phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi...(03/11/2024 3:29 CH)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN HỒ SƠ CÔNG BỐ HỢP QUY QUÝ III NĂM 2024(17/10/2024 8:22 SA)

Phân bổ hóa chất, vật tư thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2024(30/09/2024 3:22 CH)

Hướng dẫn cách xác định độ tuổi của Dê và phòng chống một số bệnh thường gặp trên đàn Dê(28/08/2024 9:46 SA)

Vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật(21/08/2024 10:36 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi...(07/08/2024 9:33 SA)

Tập huấn công tác Quản lý giống vật nuôi và Chương trình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...(19/07/2024 10:54 SA)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
147 người đã bình chọn
°
1947 người đang online