Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm

Đăng ngày 19 - 05 - 2024
100%

Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao đã làm cho đàn gia súc, gia cầm dễ phát sinh dịch bệnh, sốc nhiệt và có thể chết, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Do đó, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm hiện nay cần được chú trọng.

Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lê Thị Chính, thôn Viên, xã Giao An (Lang Chánh).

Việc chủ động các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi được các hộ dân chăn nuôi gia cầm quan tâm, nhất là gà vì chúng chịu nóng kém. Nếu thời tiết trên 39 độ C mà không được làm mát kịp thời, đàn gà có thể bị cảm nắng gây chết hàng loạt. Gia đình chị Lê Thị Chính, thôn Viên, xã Giao An (Lang Chánh) phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, gồm 200 lợn thịt và 10.000 con gà. Những ngày nắng nóng, gia đình chị chú trọng thực hiện các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Chị Chính cho biết: “Hàng ngày, đàn lợn được tắm và dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đối với trang trại gà thì dùng đệm lót sinh học; thời điểm nắng nóng này cho đàn vật nuôi ăn nhiều vào buổi sáng sớm và chiều tối, giảm cho ăn vào buổi trưa. Đồng thời dùng lá cây phủ lên mái khu chuồng trại để giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho vật nuôi, ngoài việc tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan thú y, gia đình tôi còn thường xuyên phun khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi để hạn chế tác nhân gây bệnh. Nhờ đó, đàn lợn, gà của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh, không bị bệnh”.

Hiện nay, tổng đàn trâu trên toàn tỉnh là 155.000 con, đàn bò 248.000 con, đàn lợn đạt 1,28 triệu con, đàn gia cầm 26,9 triệu con, đàn dê 12.800 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ngành nông nghiệp đã ban hành nhiều văn bản tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống nắng, nóng và dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch để tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Các địa phương trên toàn tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện tổ chức công tác tiêm phòng đợt 1. Theo đó, đến giữa tháng 4/2024, đã tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm được 4.998.000 con, đạt 69,13% diện tiêm; vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò được 150.015 con, đạt 67,2% diện tiêm; vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò được 148.590 con, đạt 66,55% diện tiêm; vắc-xin phòng viêm da nổi cục trâu, bò được 103.205 con, đạt 46,22% diện tiêm; vắc-xin phòng bệnh tụ dấu lợn được 229.516 con, đạt 55,35% diện tiêm; vắc-xin phòng dịch tả lợn được 265.086 con, đạt 63,93% diện tiêm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng khuyến cáo người dân, đối với vật nuôi biểu hiện của bệnh truyền nhiễm phải tách vật nuôi ra khỏi đàn để theo dõi và báo cáo ngay cho chính quyền cơ sở và cơ quan thú y các cấp để tổ chức điều tra, xác minh và kịp thời tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi trong tỉnh chủ động các giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình bằng cách bố trí mật độ, phù hợp với diện tích chuồng; lắp đặt hệ thống làm mát, vệ sinh chuồng trại; quan tâm xử lý chất thải chăn nuôi để hạn chế phát sinh nhiệt, gây ô nhiễm môi trường; dự trữ sẵn một số loại vitamin, chất điện giải để giải nhiệt cho đàn vật nuôi những ngày nắng nóng...

4 tháng đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch giám sát lưu hành vi-rút cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi và giám sát sau tiêm phòng trên địa bàn tỉnh, cụ thể: lấy 100 mẫu Swab giám sát lưu hành bệnh cúm lợn; 20 mẫu Swab gộp giám sát lưu hành bệnh cúm gia cầm; 50 mẫu giám sát lưu hành bệnh dịch tả lợn châu Phi và đang tiếp tục chuẩn bị triển khai công tác lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng. Công tác kiểm soát, kiểm dịch thú y vận chuyển ra ngoài tỉnh và tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông thực hiện đúng quy trình, thủ tục kiểm dịch, không để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện; đảm bảo động vật vận chuyển ra vào tỉnh được kiểm tra. Trong 4 tháng đã kiểm dịch được hơn 300 con bò; 84.000 con lợn trên 15kg ; hơn 90.400 con lợn nuôi; 938.000 con gia cầm giống; 1.400.000 con gia cầm giết mổ... Thời gian gần đây xảy ra nhiều đợt nắng nóng, ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi, nhưng nhờ chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ nên chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

<

Tin mới nhất

Kết quả phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi...(03/11/2024 3:29 CH)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN HỒ SƠ CÔNG BỐ HỢP QUY QUÝ III NĂM 2024(17/10/2024 8:22 SA)

Phân bổ hóa chất, vật tư thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đợt 2 năm 2024(30/09/2024 3:22 CH)

Hướng dẫn cách xác định độ tuổi của Dê và phòng chống một số bệnh thường gặp trên đàn Dê(28/08/2024 9:46 SA)

Vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật(21/08/2024 10:36 SA)

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi...(07/08/2024 9:33 SA)

Tập huấn công tác Quản lý giống vật nuôi và Chương trình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...(19/07/2024 10:54 SA)

BÁO CÁO TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN HỒ SƠ CÔNG BỐ HỢP QUY 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024(11/07/2024 11:03 SA)

Phòng chống dịch bệnh vào mùa mưa lũ(11/06/2024 7:22 SA)

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm(19/05/2024 3:17 CH)

Đánh giá của bạn về Trang thông tin điện tử
143 người đã bình chọn
°
2499 người đang online