Thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Thời gian thực hiện Nghị định là 3 năm (2023-2025).
Để triển khai Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ có hiệu quả, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Năm 2023, các Sở, ngành cấp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định để triển khai ERPA tại tỉnh Thanh Hoá, cụ thể: Ban hành Kế hoạch triển khai ERPA tại tỉnh Thanh Hoá (Quyết định số 3943/QĐ-UBND ngày 25/10/2023); Phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi từ chi trả ERPA trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023 (Quyết định số 4642/QĐ-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh); Phê duyệt Kế hoạch tài chính năm 2023 từ nguồn thu Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá (Quyết định số 4925/QĐ-UBND ngày 24/12/2023 của UBND tỉnh). Tuy nhiên, do thời gian phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2023 quá muộn (24/12/2023) nên nguồn kinh phí ERPA năm 2023 được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá mới chỉ kịp giải ngân được kinh phí cho đối tượng chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư các thôn/bản còn toàn bộ kinh phí đã chuyển cho các chủ rừng tổ chức và UBND câc xã đang tạm giao quản lý rừng tự nhiên và nguồn kinh phí trích lại tại BQL Quỹ bảo vệ, phát triển rừng&Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá không kịp giải ngân.
Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Thông báo số 25/TB-SNN&PTNT ngày 15/5/2024 và để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho các chủ rừng, BQL Quỹ bảo vệ, phát triển rừng & Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành Công văn số 550/CCKL-QLBVR ngày 21/5/2024 về việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện rà soát rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi trên địa bàn các huyện. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi từ chi trả ERPA trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2024 (Quyết định số 3467/QĐ-UBND ngày 20/8/2024 của UBND tỉnh);
Quyết định số 3467/QĐ-UBND ngày 20/08/2024 về việc phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi từ chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2024.
Để triển khai các hoạt động, nhiệm vụ ERPA năm 2023 chuyển sang năm 2024 và nhiệm vụ ERPA 2024 thì cần phải có sự phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 và phê duyệt Kế hoạch tài chính ERPA năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Tuy nhiên, vấn đề trên gặp rất nhiều khó khăn: Đối với việc lập kế hoạch tài chính ERPA cấp tỉnh: Theo quy định Nghị định số 107/2022/NĐ-CP thời gian lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán tại Quỹ tỉnh và các chủ rừng là tổ chức, UBND xã đến ngày 30/6 năm sau làm căn cứ để chuyển nguồn sang năm sau thực hiện. Trong khi nguồn kinh phí ERPA có sẵn, thời gian khoá số quyết toàn là 31/12. Như vậy, mất 6 tháng các đơn vị Quỹ bảo vệ, phát triển rừng tỉnh, chủ rừng tổ chức, UBND các xã không thực hiện được xét duyệt quyết toán để chuyển nguồn thực hiện trong năm sau.
Về phê duyệt kế hoạch tài chính và phê duyệt hồ sơ hạng mục lâm sinh: Bước đầu, các chủ rừng (đặc biệt là lực lượng vũ trang) lúng túng, chưa xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình lâm sinh; trình tự phê duyệt kế hoạch tài chính trước hay phải trình phê duyệt hồ sơ thiết kế lâm sinh trước; hay trình phê duyệt đồng thời trong kế hoạch tài chính. Việc xây dựng kế hoạch tài chính ERPA của các chủ rừng được thực hiện trên cơ sở kế hoạch, hồ sơ thiết kế thực hiện các biện pháp lâm sinh. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh Thanh Hoá, nguồn vốn từ ERPA được các sở, ngành xác định không phải là vốn đầu tư công và không phải là vốn ngân sách nhà nước. Do đó, các chủ rừng có được tự phê duyệt hồ sơ hạng mục lâm sinh theo Thông tư 15/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT không? Ngoài ra, nguồn thu từ ERPA chi trả đến một số chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên rất ít, số tiền được hưởng lợi thấp (có đơn vị được 500.000đồng, có đơn vị được vài triệu đồng), khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính của các đơn vị đó cũng là 1 nguyên nhân dẫn đến việc phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 và phê duyệt Kế hoạch tài chính ERPA năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá chậm.
Khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn kinh phí ERPA năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định số 4485/QĐ-UBND ngày 12/11/2024 về việc phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 sử dụng và phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2024 từ nguồn thu Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tỉnh Thanh Hóa.
Quyết định số 4485/QĐ-UBND ngày 12/11/2024 về việc phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 sử dụng và phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2024 từ nguồn thu Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tỉnh Thanh Hóa.
Hiện tại, tuy việc phê duyệt chuyển kinh phí chưa sử dụng năm 2023 sang năm 2024 và phê duyệt Kế hoạch tài chính ERPA năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá chậm nhưng BQL Quỹ bảo vệ, phát triển rừng & Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá; các chủ rừng tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các hoạt động, nhiệm vụ ERPA năm 2024 đã được phê duyệt./.