Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng chú trọng, nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được người nông dân quan tâm đầu tư.
Bà Mai Thị Tuyết xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa là người đam mê với nông nghiệp. Năm 2020 bà Tuyết bắt đầu tìm hiểu qua bạn bè, sách báo và internet thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, bà bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Được sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, bà quyết định đầu tư hai nhà màng, mỗi nhà diện tích 1.000m2.
Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định, năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao. Các cây trồng thuộc họ Dưa nếu canh tác theo kiểu truyền thống (mô hình ngoài trời) thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, nhưng khi trồng trong nhà màng thì sẽ hạn chế được sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ phù hợp vào mùa khô, chịu ngập úng kém; tuy nhiên, khi canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì ít bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Do đó, quá trình sản xuất được đảm bảo liên tục, không theo mùa vụ giống như lối canh tác theo kiểu truyền thống.
Bà Tuyết cho biết, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75- 80 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì dừng khoảng 2 tuần để vệ sinh nên có thể sản xuất, chu kỳ sản xuất mội năm 2-3 vụ. Hiện nay, gia đình bà đã thu hoạch xong vụ 2 trong năm. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của bác Tuyết có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, gia đình bác luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và sản phẩm Nano Bạc plasma (Plasnotek) diệt khuẩn, phòng trừ bệnh nên đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của Bà Tuyết phát triển tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trên 1 tấn trái mỗi vụ, trọng lượng từ 1,2 - 1,5 ký mỗi trái, với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi nhà màng cho lãi khoảng 45 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng.
Theo ông Hồ Huy Hoàn PCT UBND xã Nga Thành cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. việc đầu tư mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đã và đang tạo ra bước đột phá trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng. Dưa lưới là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng, ổn định.
Việc trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng đã và đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa và trồng màu khác. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng nhà màng ban đầu chi phí rất cao, không phải người dân nào cũng có thể làm được. Trong khi đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới, bảo đảm nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, đây cũng là chủ trương phát triển nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.