Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS - Tai xanh) tại tỉnh Thanh Hóa
Phân lập, giải trình gene vi rút gây bệnh Tai xanh từ mẫu bệnh phẩm của lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xác định độ tương đồng amino acid gene ORF5.
Thanh Hóa có tổng đàn lợn đạt 1,35 triệu con (trong đó, đàn lợn hướng nạc đạt 720 nghìn con, đàn lợn nái ngoại đạt 83 nghìn con).
Dịch bệnh do Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS, thường được gọi là bệnh Tai xanh) do vi rút “độc lực cao” bùng phát lần đầu tiên vào năm 2007, 14 tỉnh (65 huyện và 324 xã) có dịch, 70.577 lợn bị bệnh chết và 20.366 con trong vùng dịch bị tiêu hủy, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vào năm 2008 dịch PRRS đã xảy ra tại 473 xã của 26/27 huyện thị xã, thành phố làm 193.980 con lợn mắc bệnh, tiêu hủy 10.000 tấn lợn hơi, thiệt hại 300 tỷ đồng.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn phục vụ công tác phòng chống bệnh PRRS tại Thanh Hóa, việc nghiên cứu cập nhật đặc điểm sinh học và sinh học phân tử của các chủng vi rút gây bệnh trong những năm gần đây rất quan trọng và cần thiết. Do vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học phân tử của các chủng vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS - Tai xanh) tại tỉnh Thanh Hóa” kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp thông tin quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút PRRS gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chúng tôi đã thu thập được 100 mẫu bệnh phẩm là dịch hầu họng hoặc phủ tạng của lợn nghi nhiễm vi rút PRRS tại các lò mổ lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các mẫu đều đảm bảo các điều kiện để phục vụ nghiên cứu và được bảo quản lạnh chuyển ngay về phòng thí nghiệm Bộ môn Hóa sinh-Miễn dịch, Viện Thú y Quốc gia để phục vụ các nghiên cứu tiếp theo.
Kết quả cho thấy, chúng tôi đã phát hiện được 17 mẫu bệnh phẩm dương tính RNA vi rút PRRS bằng phương pháp realtime RT-PCR.
Trong 17 mẫu dương tính RNA vi rút PRRS từ mẫu bệnh phẩm có 09 mẫu cho kích thước vạch band khoảng 600bp, kích thước nhân đoạn gene ORF5 tương đương với đối chứng dương, chúng tôi tiến hành tách chiết và tinh sạch sản phẩm PCR này phục vụ giải trình tự gene.
Cây phả hệ phát sinh của các chủng vi rút PRRS thu thập tại Thanh Hóa dựa trên trình tự đoạn gene ORF5 với các chủng virus PRRS tham chiếu
Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ phát hiện sự lưu hành của vi rút PRRS thuộc sublineage SX2009/2009-like (nhánh 8.7) mà chưa phát hiện các nhánh khác tại Thanh Hoá.
Phân tích tương đồng về amino acid gen ORF5 của 9 chủng vi rút PRRSV từ mẫu bệnh phẩm tại Thanh Hoá cho thấy, (i) 09 chủng vi rút PRRS phân lập được có độ tương đồng amino acid dao động trong khoảng từ 98.39-100%, (ii) Khi so sánh với chủng vi rút động lực cao thuộc phân nhóm SX2009/2009-like mức độ tương đồng amino acid dao động trong khoảng từ lần lượt nằm trong khoảng 92.3 – 96.4%, với nhánh JAX1/2006 -like là 91.1-96.2%, với nhánh NADC30-like ở Bắc Mỹ có độ tương tự 85.4 – 89.2%, từ 84.2-88.1% với nhánh US-like và độ tương tự thấp nhất là 51.3-56.5% với chủng vi rút PRRS thuộc type I. Khi so sánh với chủng vi rút vacxin VR2332, mức độ tương đồng về trình tự nucleotide dao động trong khoảng 87,23- 88,23%. Trong nghiên cứu này, chủng vi rút vacxin JXA1 cũng được sử dụng nhằm đánh giá mức độ tương đồng di truyền. Kết quả cho thấy, mức độ tương đồng về nucleotide của các chủng phân lập được với chủng JXA1 trong khoảng 86.17-87,16%. Vi rút PRRS đang lưu hành tại Thanh Hoá thuộc genotype II, phân nhóm lớn Chinese-like và có quan hệ chặt chẽ với các chủng PRRSV độc lực cao (HP-PRRSV) thuộc sublineage SX2009/2009-like (line 8.7) và có quan hệ gần gũi với chủng PRRS thuộc sublineage NADC30-like và vaccine JAX1/2006-like.
Như vậy, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chủng vi rút PRRS được phân lập, giải trình gene từ mẫu bệnh phẩm của lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có độ tương đồng amino acid dao động trong khoảng từ 98.39-100% và đều thuộc phân nhóm SX2009/2009-like. Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Thú y thì về cơ bản, các loại vắc xin phòng bệnh tai xanh trên lợn được phép lưu hành tại Việt Nam vẫn đảm bảo hiệu lực trong phòng, chống dịch. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh bằng vac xin phòng bệnh tai xanh là biện pháp mang lại hiệu quả cao nhất./.
Ths. Lê Văn Kiên - Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá