Tuyên truyền bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo vệ các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm

Khu BTTN Xuân Liên phối hợp với 05 trường học trên địa bàn 04 xã, 01 thị trấn vùng đệm triển khai công tác tuyên truyền quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo vệ các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm đối với học sinh.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài hoang dã của nước ta đã được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật quốc tế và thực tiễn đất nước. Các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về nhiều mặt.

Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Căn cứ Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Số 458/QĐ-UBND ngày 08/02/2023 về việc phê duyệt đề cương và chi tiết thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, bảo tồn các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa”. 

Trong năm 2024 Khu BTTN Xuân Liên đã phối hợp với 05 trường học trên địa bàn 04 xã và thị trấn vùng đệm, gồm có: Trường THCS Bát Mọt, THCS Yên Nhân, THCS Lương Sơn, THCS Xuân Cẩm và THCS Vạn Xuân để triển khai công tác tuyên truyền quản lí và bảo vệ rừng, quản lí lâm sản và bảo vệ động thực vật hoang dã, bảo vệ các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm đối với học sinh. Khu BTTN Xuân Liên đã bàn giao số lượng lớn poster tuyên truyền cho Ban giám hiệu nhà trường để thực hiện tuyên truyền tới các em học sinh trong nhà trường. Thông qua công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của các em học sinh về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã, với sức lan tỏa rộng lớn đã thu hút sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân vùng đệm Khu bảo tồn về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Hoạt động tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ các động vật hoang dã lần này có ý nghĩa tác động tích cực đến quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống – nâng cao ý thức, trách nhiệm của các em học sinh trên địa bàn trong việc vận động người thân và gia đình tích cực tham gia bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ các loài động vật rừng là một trong những vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang quan tâm hiện nay.

Ban quản lý Khu BTTN Xuân Liên