Chọn nguyên liệu và quản lý chất độn chuồng trong chăn nuôi giai cầm
Chăn nuôi trên nền chuồng nếu chúng ta biết cách xử lý chất độn chuồng tốt không để gia cầm bị lạnh chân sẽ giúp cho gia cầm mau lớn, giảm bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Dưới đây là một số lưu ý khi chọn nguyên liệu và quản lý chất độn chuồng trong chăn nuôi giai cầm.
* Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chất độn chuồng chăn nuôi gia cầm:
- Chất độn chuồng không được phơi khô ráo ngay từ đầu mà đã sử dụng.
- Chế độ dinh dưỡng của đàn gia cầm; ví dụ một số thành phần trong thức ăn như muối nếu cho ăn nhiều quá sẽ khiến gia cầm thải ra một lượng nước lớn hơn bình thường làm ướt chất độn chuồng.
- Một số loại thuốc làm dư thừa nước trong cơ thể gia cầm và bài tiết ra ngoài.
-Các điều kiện môi trường như thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp cũng có thể gây ra ẩm ướt nếu hệ thống thông gió của trại chăn nuôi gà không thể giúp làm khô lớp độn chuồng nhanh chóng.
- Đường ống dẫn nước uống, hệ thống phun sương và làm mát nếu không được quản lý và sử dụng cẩn thận cũng là những nguyên nhân làm ướt chất độn chuồng.
* Nguyên liệu làm chất độn chuồng cho gia cầm được đánh giá tốt khi đạt các điều kiện sau đây tốt:
Nguyên liệu (phoi bào, mùn cưa, trấu…) phải khô, sạch, tơi, có khả năng hút ẩm, không bụi, không gây độc, không gây hại cho sức khỏe gà.
Nếu nguyên liệu không được phơi khô, khử trùng thì dễ bị nhiễm nấm mốc, khi dùng làm chất độn chuồng cho gia cầm, các độc tố nấm mốc (đặc biệt độc tố aflatoxin) có thể gây hại cho sức khỏe của gia cầm, gây bệnh nấm phổi và thậm chí gây chết nhiều gia cầm.
*Một số biện pháp quản lý đảm bảo chất lượng cho chất độn chuồng
Giải phóng amoniac bị tồn dư trong chất độn chuồng là việc làm cần thiết nhất để giảm thiểu sự tích tụ amoniac trong chuồng nuôi. Để giải quyết vấn đề trên cần khởi động hệ thống thông gió và đèn sưởi ấm trước khi gia cầm con về trại khoảng 24-48h.
Có thể cần phải tăng độ thông khí tối thiểu trong vài tuần đầu của lứa gia cầm nếu nồng độ amoniac quá cao. Sử dụng quạt thông gió để lưu thông không khí trong trại. Làm khô bằng cách hút không khí ấm (có thể giữ độ ẩm) trên trần nhà xuống sàn nhà.
Tăng thêm nhiệt cho chuồng nuôi để dễ dàng loại bỏ hơi nước. Khi không khí ấm lên, khả năng giữ độ ẩm tăng, sự kết hợp giữa nhiệt độ ấm và thông gió tốt sẽ giúp loại bỏ độ ẩm đáng kể ra khỏi nền chuồng.
Kiểm tra và quản lý hệ thống ống dẫn nước để tránh rò rỉ và làm tăng độ ẩm của chất độn chuồng. Điều chỉnh chiều cao của đường ống và áp suất nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gia cầm để tránh lãng phí nước và làm ướt lớp chất độn chuồng. Nếu có hiện tượng nước rò rỉ hoặc đổ tràn ra nền, chúng ta cần loại bỏ ngay lớp độn chuồng này và thay bằng lớp mới khô ráo, sạch sẽ hơn.
Nếu thấy chất độn chuồng bị vón cục, đóng bánh lại với nhau, tốt nhất là loại bỏ những phần vón cục đó ra vì nếu để lại chúng sẽ là nguyên nhân làm gia tăng lượng amoniac được thải ra trong chuồng chăn nuôi gia cầm.
Kiểm tra thường xuyên hệ thống thoát nước xung quanh chuồng nuôi để chắc chắn nước mưa không đọng lại và gây ẩm ướt lớp độn chuồng.
Như vậy, để chất độn chuồng phát huy tối đa tác dụng, ta cần phải có các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả. Nếu không ngược trở lại, chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu lên quá trình chăn nuôi gia cầm và dẫn đến những thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Hà Linh Trung tâm Khuyến nông