Kiểm tra tình hình sản xuất vụ Đông 2024-2025 trên địa bàn tỉnh

Ngày 02-03/10/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất vụ Đông năm 2024-2025 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tham gia Đoàn có Phó giám đốc Sở Đặng Văn Hiệp, lãnh đạo và phòng chuyên môn Chi cục Trồng trọt và BVTV. Đoàn đã tiến hành làm việc, kiểm tra, chỉ đạo sản xuất tại huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc...

Với mục tiêu phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2024-2025 đạt 47.000 ha trở lên. Đến nay nhìn chung, các địa phương đang gieo trồng cây vụ Đông sớm như ngô, ớt, rau ăn lá... và chuẩn bị triển khai gieo trồng cây vụ Đông ưa lạnh như khoai tây, cải bó xôi, dưa, su hào, bắp cải, rau cải các loại… Tiến độ gieo trồng cây vụ Đông trên địa bàn tỉnh đến ngày 03/10/2024 ước đạt 15.178 ha/47.000 ha (đạt 32,3%), trong đó: Diện tích Ngô đã gieo trồng là 4.728,4 ha/14.000 ha (đạt 33,7%); diện tích Lạc 243,7 ha/1.300 ha (đạt 18,7%); Rau đậu 8.028,6 ha/21.780 ha (đạt 36,9%); Khoai lang 297,1 ha/2.000 ha (14,9%); Cây trồng khác 1.879,8 ha/7.920 ha (đạt 23,7%). Một số huyện đã gieo trồng diện tích khá như Yên Định (2.083 ha), Thọ Xuân (2.011 ha), Nông Cống (1.427 ha),...chủ yếu là cây ngô, ớt, khoai lang, rau đậu, lạc,...

Đoàn công tác thăm và đánh giá tại cánh đồng trồng ớt liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại huyện Yên Định

Vùng trồng ớt vụ Đông tại huyện Yên Định (đến nay toàn huyện đã gieo trồng được 536,54 ha ớt trên 800 ha kế hoạch, đứng đầu toàn tỉnh)

Đoàn công tác thăm vùng trồng cây vụ Đông xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân

Vùng trồng ngô vụ đông tại huyện Thọ Xuân

Đoàn công tác thăm vùng trồng cây vụ Đông tại xã Vĩnh Khang, huyện Vĩnh Lộc

Thăm và làm việc với UBND các huyện, ghi nhận những kết quả bước đầu trong sản xuất vụ Đông tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, đánh giá cao kết quả sản xuất vụ Đông tại huyện Vĩnh Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đặng Văn Hiệp đã chỉ đạo: Do ảnh hưởng của bão số 3, bão số 4 và mưa, lũ gây ngập úng những ngày qua, các loại cây trồng vụ Đông ưa ấm như cây ngô lấy hạt, cây đậu tương, cây ớt… cơ bản đã hết khung thời vụ gieo trồng tốt nhất. Mặc dù khặp khó khăn trong giai đoạn đầu của sản xuất vụ Đông nhưng đây cũng là cơ hội để mở rộng diện tích các loại cây rau màu ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Do vậy đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị. Đặc biệt phát triển các cây vụ Đông lợi thế của từng huyện, tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Điều chỉnh kế hoạch phân giao cụ thể cho từng xã, thị trấn về diện tích và cơ cấu các cây trồng chủ lực, có lợi thế; mở rộng các đối tượng cây trồng như: khoai tây (ăn tươi, chế biến), cà chua, bí xanh, ngô ngọt, ngô làm thức ăn tươi xanh cho gia súc, dưa các loại, rau màu ngắn ngày có giá trị hàng hóa cao...; giải pháp kỹ thuật trong làm đất, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; giải pháp về áp dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, hợp tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; giải pháp phòng chống thiên tai; giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về chỉ đạo điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức thực hiện./.

Chi cục Trồng trọt và BVTV