Phát triển và nhân rộng nghề nuôi cá hồng mỹ Trong ao đất trên vùng triều ven biển tỉnh Thanh hóa

Thanh Hoá có chiều dài bờ biển 102 km, được giới hạn từ cửa Càn (sông Càn - Ninh Bình) đến huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, với diện tích vùng biển khoảng 23.000 km2, có 7 cửa lạch lớn nhỏ, trong đó 5 cửa lạch chính (Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng); một số vũng như vũng Gầm, vũng Thủi, vũng Biện Sơn và 2 hòn đảo (hòn Nẹ và hòn Mê) đã tạo nên vùng triều hơn 8.000 ha mặt nước trải dài trên 8 huyện, thành phố…Định hướng và xu thế phát triển nuôi tôm công nghệ cao, nuôi trên vùng cao triều, trong nhà mái che, quy hoạch trang trại nuôi theo hướng diện tích nuôi tôm chiếm 30% tổng diện tích trang trại và sử dụng ít nhất 40% diện tích mặt nước làm ao chứa nước, 15% diện tích ao xử lý nước, 15% ao chứa chất thải. Dự kiến đến năm 2030 diện tích nuôi tôm chân trắng công nghệ cao đạt 1.000 ha ao nuôi, trong đó ao chứa nước chiếm khoảng 150ha ha, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nghề nuôi cá biển nói chung, trong đó nuôi cá hồng mỹ sẽ là đối tượng nuôi chủ lực..

Cá hồng mỹ hay còn gọi là cá đù đỏ được nhập cá bột về Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1999.  Sau một thời gian nuôi, cá hồng mỹ đã thể hiện được những đặc tính ưu việt: sinh trưởng nhanh, tính thích nghi cao với điều kiện môi trường, phù hợp các loại hình nuôi từ ao đất, nuôi lồng nuôi trong môi trường nước mặn, nước lợ.

Năm 2019 Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Thanh Hóa  thực hiện dự án khoa công nghệ về “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương giống, nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) trong ao theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm tại vùng bãi ngang ven biển Thanh Hóa”. Sau 4 năm thực hiện dự án, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Thanh hóa là đơn vị chủ trì, phân viện nghiên cứu thủy sản Bắc Trung bộ - Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I là đơn vị chuyển giao công nghệ ương cá hồng mỹ từ giai đoạn cá giống cấp I lên giai đoạn cá giống cấp II và nuôi thương phẩm cá hồng mỹ trong ao đất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay Thanh hóa đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm trong ao đất cá hồng mỹ và đáp ứng được nhu cầu con giống phục vụ nuôi thương phẩm.

Quy trình ương giống cá hồng mỹ từ giai đoạn cá hương (2-3 cm) lên cá giống cấp II (10-12 cm), đây là những công nghệ tiên tiến, phù hợp trình độ và lĩnh vực đang thực hiện tại doanh nghiệp, trước đây Thanh Hóa phải di nhập cá giống cấp II về để nuôi thương phẩm tại các tỉnh phí Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh... hoặc trong Bình Thuận, Nha Trang...phát sinh chi phí vận chuyển, tỷ lệ chết trong quá trình vận chuyển nên giá thành sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế thấp. Quy trình nuôi cá hồng mỹ thương phẩm trong ao với tiến bộ kỹ thuật sử dụng thức ăn công nghiệp và nuôi trong ao đất so  với hình thức nuôi quảng canh trước đây là sử dụng thức ăn cá tạp. Với quy trình công nghệ  được áp dụng cho thấy chi phí sản xuất thấp hơn  15-20%  hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trước đây, bà con nông dân ở Thanh Hóa cũng đã nuôi cá hồng mỹ trong lồng, sử dụng cá tạp cho ăn và di nhập con giống cấp II (10-12 cm) từ Móng cái, Cát Bà về hoặc từ Nha Trang ra. Cá hồng mỹ vận chuyển rất khó khăn, phức tạp, tỷ lệ sống thấp, giá thành cao. Giá cá giống trung bình 1000 đ/cm, tương đương 10.000 – 12.000 đ/con. Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương giống, nuôi thương phẩm cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) trong ao theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm tại vùng bãi ngang ven biển Thanh Hóa” đã di nhập cá giống cấp I (2-3cm) dễ vận chuyển, chi phí vận chuyển thấp hơn để ương lên cá giống cấp II (10-12 cm) đã giảm giá thành sản xuất, giá cá giống 10-12 cm từ 6.000 – 7.000 đ/con, giảm 30% so với trước đây, nâng cao hiệu quả sản xuất trong liên kết chuỗi.

Dự án đã ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp nuôi truyền thống tại các huyện ven biển trong tỉnh Thanh Hóa. Điểm khác biệt của mô hình này di nhập cá giống cấp I để ương lên cá giống cấp II, sử dụng thức ăn công nghiệp, cá giống cấp I chi phí sản xuất thấp, quá trình vận chuyển tỷ lệ sống cao so với vận chuyển cá giống cấp II và nuôi thương phẩm sử dụng thức ăn công nghiệp được sản xuất theo quy trình an toàn, người nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như chất lượng nước, thức ăn, con giống và kiểm soát được ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả trên cho thấy, mô hình ương cá giống cấp I (2-3cm) lên cá giống cấp II (10-12 cm) với giá thành sản phẩm là 4.657 đồng/con giống cấp II, so sánh với giá cá giống cấp II bán trên thị trường trước khi thực hiện dự án là 10.000 đ/ con, dự kiến bán thương mại 7.000 đ/con sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, bà con nuôi cá tham gia chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất trong liên kết chuỗi Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá hồng mỹ với giá thành sản phẩm là 54.000 đồng/kg cá thương phẩm, giá bán cá thương phẩm trên thị trường dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg; tỷ số lợi nhuận tăng 40 – 45 % so với hình thức nuôi truyền thống, giúp bà con nuôi cá nâng cao hiệu quả sản xuất trong liên kết chuỗi và đã mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường cho xã hội là rất lớn.

Với hiệu quả kinh tế đem lại của dự án là cơ sở khoa học để chuyển đổi phát huy tiềm năng mặt nước trong trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi tôm sú, cua, rong câu, cá ...vùng ven biển sang nuôi cá biển nói chung và cá hồng mỹ nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động xấu sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao kinh tế - xã hội vùng biển Thanh Hóa.

Hoàng Thị Thu Hằng – Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa