Kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tiền ERPA năm 2023 của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ; Công văn số 1334/LN QBVPTR ngày 06/9/2024 của Cục Lâm nghiệp về thực hiện chi trả nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ; Quyết định số 4642/QĐ-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi từ chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023; Quyết định số 4925/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tài chính năm 2023 từ nguồn thu Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tỉnh Thanh Hoá.
Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai (Gọi tắt là Ban quản lý Quỹ) đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 28/KH-BQLQ ngày 10/09/2024 về việc kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) năm 2023 của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024.
Căn cứ Quyết định số 4642/QĐ-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi từ chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023 tỉnh Thanh Hoá có diện tích rừng tự nhiên được chi trả trên địa bàn là 393.361,33 ha, trong đó:
- Diện tích rừng tự nhiên đảm bảo đủ điều kiện để chi trả ERPA năm 2023 là 363.889,17 ha, gồm: 39 chủ rừng tổ chức, với diện tích là 171.237,21 ha; 61 chủ rừng là UBND cấp xã, phường, thị trấn đang tạm giao quản lý với diện tích 8.579,88 ha; 24.380 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn/bản, với tổng diện tích là 184.072,08 ha.
- Diện tích rừng tự nhiên chưa đảm bảo đủ điều kiện chi trả ERPA năm 2023 là 29.472,16 ha (Lý do: Đang bị chồng lấn, chưa rõ ràng về ranh giới, chủ quản lý; chủ rừng không sinh sống tại địa phương trên 12 tháng, chủ rừng không có nhu cầu đăng ký tham gia do diện tích nhỏ lẻ, chủ rừng chưa có đơn đề nghị chi trả; chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật).
Căn cứ Quyết định số 4925/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch tài chính năm 2023 từ nguồn thu Thoả thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) tỉnh Thanh Hoá số tiền chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn/bản là 23.952.958.884 đồng, chi trả cho các chủ rừng là tổ chức là 22.282.782.125 đồng, chi trả cho UBND các xã là 1.116.483.922 đồng.
Thành phần đoàn tham gia kiểm tra, giám sát bao gồm Hạt kiểm lâm và Phòng nông nghiệp PTNT Huyện, đại diện lãnh đạo UBND các xã, đại diện Mặt trận tổ quốc xã, công chức địa chính nông nghiệp hoặc bộ phận khác có liên quan, Thành phần đoàn công tác của Ban quản lý Quỹ (08 người).
Mục đích của việc kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tiền ERPA năm 2023 là để phát hiện kịp thời những tồn tại trong quá trình quản lý, sử dụng tiền chi trả ERPA tại các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã và hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư các thôn/bản trên địa bàn tỉnh năm qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo và rút ra kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các năm tiếp theo.
Đoàn kiểm tra tình hình sử dụng tiền tại các cộng đồng thôn/bản tại Huyện Quan Hóa
BQL Quỹ thực hiện kiểm tra đối với các các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng các thôn/bản để xác định các hộ gia đình, cá nhân tham gia chương trình ERPA đã được nhận đầy đủ theo số tiền được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Kiểm tra các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tiền tại các chủ rừng là tổ chức, UBND các xã và các cộng đồng thôn/bản (Biên bản họp thôn cử người đại diện, người được uỷ quyền nhận tiền, các tài khoản ủy quyền, biên bản thống nhất kế hoạch sử dụng tiền; sổ sách ghi chép thu chi tại thôn/bản hằng năm; kiểm tra các chứng từ chi cho các hoạt động: tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng nông thôn mới, mua sắm trang thiết bị, chi cho các hộ gia đình; các hoạt động lâm sinh, hỗ trợ sinh kế của các chủ rừng là tổ chức và UBND xã,…) đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong quá trình sử dụng tiền theo đúng các nội dung trong biên bản họp thôn thống nhất sử dụng tiền chi trả ERPA và quy định của pháp luật; Kết hợp tuyên truyền cho người dân nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm trong thực hiện ERPA theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ và các văn bản quy định khác liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Đoàn kiểm tra tình hình sử dụng tiền của các chủ rừng tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân
Quá trình kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng, quản lý tiền ERPA năm 2023 của các chủ rừng đoàn công tác đã chỉ ra được lỗi như là các cộng đồng thôn/bản sử dụng tiền chưa đúng mục đích theo quy định; sử dụng tiền mua sắm nhưng không có hóa đơn, chứng từ xác minh; sổ tay của thôn/bản chưa cập nhật thường xuyên và chi tiết;…Đoàn đã yêu cầu các chủ rừng bổ sung hồ sơ theo quy định của pháp luật và rút kinh nghiệm trong quá trình sử dụng tiền qua đó đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong chi tiêu tài chính.
Hiện tại BQL Quỹ bảo vệ, phát triển rừng & Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tiền ERPA năm 2023 của các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đúng đối tượng, tiến độ và chất lượng.
Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa