Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra Động vật hoang dã bằng bẫy ảnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu

Điều tra sự phân bố, giám sát các loài động vật hoang dã (ĐVHD) trong rừng tại các khu rừng đặc dụng luôn đặt ra các thách thức bởi điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt. Bên cạnh đó, nhiều loài ĐVHD có tập tính hoạt động vào ban đêm và rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người.

Việc sử dụng bẫy ảnh kỹ thuật số đang là giải pháp hiệu quả để ghi lại những hình ảnh chính xác nhất, làm cơ sở giám định loài. Ngoài ra còn cung cấp các thông số khác như: thời gian (ngày, giờ); mặt trăng; nhiệt độ là cơ sở khoa học quan trọng trong nghiên cứu đối với mỗi khu vực. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2024 tại 02 Tiểu khu (Tiểu khu 102 và Tiểu khu 120) thuộc diện tích rừng đặc dụng tại xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa, kết quả đã chụp được hình ảnh các loài: Mèo rừng, Mang thường, Chồn bạc má, Chồn họng vàng, Gà rừng, Gà tiền mặt vàng, Lửng lợn…

Mèo rừng đi theo đàn (03 cá thể) (Prionailurus bengalensis)

Hoẵng (Muntiacus muntjac)

Chồn bạc má (Melogale personata)

Chồn họng vàng (Martes flavigula)

Gà rừng (Gallus gallus)

Gà tiền mặt vàng  (Polyplectron bicalcarratum)

Lửng lợn (Arctonyx collaris)

Để nâng cao hiệu quả sử dụng bẫy ảnh cần có một số giải pháp chính như sau:

Một là: Tổ chức tập huấn kỹ thuật đặt bẫy ảnh cho cán bộ trực tiếp thực hiện trên thực địa, đây là yếu tố then chốt vì cách xác định vị trí và hướng đặt bẫy ảnh đòi hỏi phân tích và đánh giá kỹ lưỡng sao cho phù hợp với từng đối tượng loài điều tra như: Sinh cảnh rừng tiềm năng xuất hiện, dấu vết đi lại, nguồn thức ăn và nước, ….

Hai là: Đầu tư trang thiết bị trong đó số lượng bẫy ảnh đủ lớn để bao phủ diện tích trong mỗi khu vực sinh thái rừng tiềm năng. Theo quan sát ban đầu mỗi đợt đặt bẫy ảnh, số lượng bẫy ảnh luôn tỷ lệ thuận với số hình ảnh thu được từ ĐVHD từ thực địa.

Ba là: Lựa chọn mùa (4 mùa) để thực hiện đặt bẫy ảnh đối với mỗi loài ĐVHD theo các đặc điểm sinh vật học; Ngoài ra, cần chú ý thời gian đặt bẫy ảnh trong mỗi lần thường là khoảng 1,5 – 2 tháng là phù hợp.

Bốn là: Hoạt động tuyên truyền và tăng cường công tác quản lý tốt các hoạt động của cộng đồng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là cả quá trình đặt bẫy ảnh. Việc hạn chế tối đa hoạt động của con người làm tránh nhiễu động đến hoạt động của các loài ĐVHD, bởi đa phần các loài ĐVHD rất nhạy cảm với các hoạt động này.

Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hình ảnh chân thực từ ĐVHD là minh chứng sống rõ ràng cho những nỗ lực trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại Khu BTTN Pù Hu.

Lê Khắc Đông Phòng Khoa học&Hợp tác Quốc tế Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu