Một số lưu ý khi trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi gia súc

Ngô sinh khối là cây ngô được sử dụng toàn bộ thân, lá, bắp non cho gia súc ăn trực tiếp hoặc chế biến thành thức ăn ủ chua, ép viên nén,... Ngô được thu hoạch ngay ở giai đoạn chín sữa và được coi là cây trồng ngắn ngày khi thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 65-90 ngày. Trong quá trình thâm canh cây ngô sinh khối bà con cần lưu ý:

- Giống ngô: Chọn giống chịu được trồng mật độ dày, bộ lá cứng cáp, dày rậm, thế lá đứng, xanh bền lá chân cho đến khi thu hoạch; chống chịu bệnh đốm lá, đốm nâu, khô vằn tốt như CP111, CP511, NK7328, NK67, NK6253... Đối với khu vực thường xuyên bị sâu đục thân, sâu keo mùa thu, cỏ dại gây hại, nên sử dụng giống biến đổi gen như: NK4300 BT/GT, DK6919S, CP501S..

- Thời vụ: Cây ngô sinh khối không quá khắt khe thời vụ gieo trồng, nhưng khi bố trí thời vụ cần chú ý các thời điểm ảnh hưởng đến giai đoạn sinh trưởng mẫn cảm của cây ngô. Hạn chế gieo trồng vào thời điểm có mưa kéo dài và với lượng mưa lớn ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm của hạt. Vụ Đông gieo trồng trước 5/10 để tránh ảnh hưởng của rét đậm, rét hại khi trỗ cờ.

- Đất trồng: Đây là loại cây trồng không kén đất, có thể canh tác trên nhiều chân đất khác nhau như đất đồi, đất bãi, đất chuyên màu, đất 2 lúa,… Tuy nhiên, để hạn chế thoái hóa tầng đất mặt, thời gian chuyên canh ngô sinh khối không nên quá 2 năm.

- Chăm sóc: Ngô sinh khối cần chăm sóc sớm để tạo động lực cho cây phát triển thân lá tốt.  Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh sớm, đảm bảo đủ nước tưới, giữ ẩm giai đoạn cây con và đặc biệt phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại như: Sâu keo mùa thu, sâu đục thân, khô vằn, đốm lá,…

- Thu hoạch: Khi cây ngô từ giai đoạn đông sữa chuyển sang chín sáp là thời điểm năng suất sinh khối đạt cao nhất. Thu hoạch vào ngày nắng ráo để cây, lá, bắp xanh không bị dính bùn đất, thuận lợi cho việc xử lý nguyên liệu.

Ảnh: Cây ngô trên đất bãi ven sông xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa