Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng và người dân tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, được thành lập tại Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 08/01/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Với diện tích vùng lõi Khu bảo tồn là 646,95 ha và diện tích vùng đệm 3.315,53 ha thuộc xã Nam Động, huyện Quan Hóa và các xã Sơn Điện, Trung Thượng và thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn.

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động có vai trò quan trọng trong bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, bao gồm: Quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng gắn với du lịch sinh thái nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ môi trường, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn và phát triển nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng của 09 loài hạt trần gồm: Thông Pà cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia), Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), Thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius), Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri), Gắm núi (Gnetum montanum), Gắm lá rộng (Gnetum latifolium) và một số loài động vật khác như: Voọc xám Trachypithecus crepusculus, Voọc Hà Tĩnh T. hatinhensis, Bò rừng Bos gaurus…; Khu bảo tồn còn có vai trò phòng hộ đầu nguồn sông Luồng, sông Mã điều hòa dòng chảy, hạn chế lũ lụt cho vùng hạ lưu; có nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên độc đáo, những hang động đẹp; vùng đệm còn lưu giữ những bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Thái - Mường... Để bảo vệ, đảm bảo, giữ vững ổn định an ninh rừng tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động. Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng và người dân.

1. Về công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc

- Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã vùng đệm, gồm: xã Nam Động (huyện Quan Hóa); thị trấn Sơn Lư, xã Trung Thượng, xã Sơn điện (huyện Quan Sơn) tăng cường tuần tra bảo vệ rừng định kỳ, đột xuất vùng giáp ranh nói chung và khu vực vùng lõi, vùng đệm Khu bảo tồn nói riêng, luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả với nhiệm vụ chính trị 

của đơn vị, của ngành là: Đảm bảo, giữ vững ổn định an ninh rừng tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động”.

- Phân công địa bàn và nhiệm vụ của các trạm kiểm lâm: Phân công 01 đồng chí Phó Hạt trưởng, phụ trách công tác bảo tồn thiên nhiên; Trạm Kiểm lâm bản Bâu bố trí 04 đồng chí (02 viên chức và 02 lao động hợp đồng) phụ trách địa bàn xã Nam Động và Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động. Trạm Kiểm lâm Nam Động phối hợp với Trạm Kiểm lâm bản Bâu tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, hỗ trợ việc kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lâm sản trái phép từ các thôn/bản vùng đệm Khu bảo tồn thẩm lậu ra ngoài.

2. Về công tác quản lý, bảo bệ rừng có sự tham gia của cộng đồng và người dân

Với diện tích rừng đặc dụng 646,95 ha, trước đây được 43 hộ dân xã Nam Động tự nguyện hiến đất để thành lập Khu bảo tồn. Xuất phát từ nguyện vọng của người dân và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đơn vị nhận thức rằng: Không ai hiểu rõ Khu bảo tồn bằng người dân địa phương, là người từng bảo vệ diện tích rừng nêu trên. Bảo vệ nguồn gen động thực vật quý, hiếm, an ninh rừng ổn định của Khu bảo tồn mang lại lợi ích to lớn về môi trường, hạn chế lũ lụt, phát huy vai trò phòng hộ đầu nguồn; ổn định an ninh trật tự - xã hội tại địa phương. Người dân vùng đệm được hưởng nhiều chính sách, đầu tư của Nhà nước (khoán bảo vệ rừng; các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đệm theo Nghi định số 58/2014/NĐ-CP. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng và người dân là hết sức cần thiết, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại địa phương, đảm bảo được sự phát triển bền vững của Khu bảo tồn loài.

Các chương trình, hoạt động quản lý, bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng và người dân đã được triển khai, thực hiện:

- Trong năm 2017-2018, thực hiện Kế hoạch số 34/KH-CCKL ngày 12/5/2017 của Chi cục Kiểm lâm về việc thực hiện mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại 03 bản vùng đệm Khu bảo tồn. Đơn vị đã thống nhất với Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn xây thực hiện, với nội dung như sau: Điều tra, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng, hiệu quả các loại hình quản lý rừng tại 06 thôn (bản), xã Nam Động, huyện Quan Hóa. Tổ chức một số hoạt động thí điểm quản lý rừng dựa vào cộng đồng. Thông qua các hoạt động, 03 Ban quản lý bản và người dân đồng thuận thành lập được 06 Tổ bảo vệ rừng với số lượng 70 người tham gia (gồm bản Bâu: Thành lập 01 Tổ, với số lượng 10 người tham gia; bản Lở: Thành lập 04 Tổ, với số lượng 40 người tham gia; bản Sủa: Thành lập 01 Tổ, với số lượng 20 người tham gia); xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại 03 thôn (bản) trình Chủ tịch UBND xã phê duyệt. Tổ chức tập huấn Quản lý rừng dựa vào cộng đồng cho các xã vùng đệm khu bảo tồn, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về quản lý rừng dựa vào cộng đồng và cơ chế chia sẻ lợi ích rừng ở cấp thôn bản cùng các quy định liên quan đến bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ chủ chốt tại các xã vùng đệm trong địa bàn quản lý của Hạt Kiểm lâm Quan Sơn và Quan Hóa. Sau khóa tập huấn học viên có khả năng thực hiện thí điểm phương pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng tại các thôn được lựa chọn và đóng góp cho công tác bảo tồn.

- Trong năm 2022-2023, Đơn vị phối hợp với Ban quản lý dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện hoạt động nâng cao năng lực tuần tra bảo vệ rừng cho tổ bảo vệ rừng cộng đồng tại 06 thôn/bản vùng đệm của xã Nam Động, với các hoạt động:

         + Hướng dẫn sử dụng công cụ, dụng cụ phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng như: La bàn, ống nhòm, bản đồ, máy định vị GPS.

         + Hướng dẫn xác định tuyến tuần tra rừng tại hiện trường.

         + Kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng; phương pháp lập biên bản tại chỗ khi phát hiện các trường hợp xâm hại rừng.

        + Chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức bản địa của các cộng đồng trong công tác tuần tra bảo vệ rừng.

+ Hỗ trợ trang thiết bị tuần tra bảo vệ rừng cho tổ bảo vệ rừng cộng đồng, gồm: Quần áo đi rừng; đèn pin, ống nhòm, võng, túi ngủ…

- Giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng hằng năm cho 24 hộ gia đình sinh sống tại các thôn/bản vùng đệm thuộc xã Nam Động:

+ Nhiệm vụ: Bảo vệ rừng đặc dụng (Tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng khoán bảo vệ rừng nhằm bảo vệ và phát triển tốt khu rừng được giao khoán).

+ Định kỳ hằng tuần, đột xuất tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn; phối hợp với Trạm Kiểm lâm bản Bâu bảo vệ rừng, tham gia các chương trình, dự án theo yêu cầu.

3. Kết quả triển khai thực hiện một số hoạt động trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa tích cực phối hợp với Phòng bảo tồn thiên nhiên, các chuyên gia đầu ngành của trường Đại học Lâm nghiệp triển khai nhiều chương trình, dự án tại khu vực vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn, như: Dự án; Nghiên cứu một số đặc tích sinh vật học, sinh thái học, xác định số lượng cụ thể số lượng loài, số lượng cá thể, vùng phân bố và thu thập hệ thống tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học của 06 loài hạt trần quý, hiếm tại Khu Bảo tồn Nam Động. Mô hình: Trồng thử nghiệm 03ha loài Thông đỏ đá vôi, Đỉnh Tùng tại phân khu phục hồi sinh thái (khu vực không có sự phân bố của các loài này) phục vụ công tác bảo tồn bền vững tài nguyên ĐDSH tại Khu Bảo tồn Nam Động. Dự án: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu danh lục các loài động, thực vật phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, quảng bá ĐDSH tại Khu bảo tồn loài gồm 673 loài thực vật thuộc 465 chi, 136 họ, 52 bộ, 9 lớp và 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; ghi nhận 217 loài động vật (60 loài thú; 101 loài chim; 56 loài bò sát, ếch nhái, trong đó có 48 loài (24 loài thú; 7 loài chim; 17 loài bò sát, ếch nhái) nằm trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, Sách Đỏ Thế giới 2016, Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP và phụ lục II của Công ước CITES; côn trùng có 57 loài thuộc 46 giống, 24 họ, 11 bộ; xây dựng bộ ảnh mầu về động thực vật, 136 tiêu bản động vật, 300 tiêu bản thực vật. Qua đó bổ sung mới cho Khu Bảo tồn Nam Động 155 loài thực vật, 40 loài thú, 101 loài chim, 56 loài bò sát, ếch nhái so với kết quả nghiên cứu trước đây. Dự án: Điều tra, đánh giá được thực trạng quần thể loài Voọc xám và các loài Cu li đang có nguy cơ tuyệt chủng cao làm cơ sở đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn Nam Động. Quá trình điều tra bước đầu đã xác định được 01 đàn Voọc xám, với số lượng 5-6 cá thể; 03 cá thể Cu li nhỏ; sinh cảnh sống loài Voọc xám là rừng giàu ít bị tác động; sinh cảnh sống loài Cu li nhỏ là rừng giang và tre nứa. Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, điều tra, lập danh lục khu hệ động thực vật rừng Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa”. Dự án: Xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết các loài cây cổ thụ hạt trần quý hiếm để quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn. Dự án: Nghiên cứu đặc điểm khu hệ lưỡng cư, bò sát làm cơ sở bảo tồn loài động vật mới phát hiện (Rắn khuyết Nam Động). Mô hình trồng cây thảo dược (Huyết đằng, Khúc khắc, Ngũ gia bì) dưới tán rừng...

4. Phát hiện loài động thực vật mới tại Khu bảo tồn

Phối hợp với các chuyên gia Đại học Lâm nghiệp đã điều tra, nghiên cứu và phát hiện 02 loài mới, gồm:

4.1. Loài My điểm hồng Nam Động

Nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Cường, thuộc Trung tâm Đa dạng sinh học và Quản lý rừng bền vững, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường - Trường Đại học Lâm nghiệp đã công bố một loài thực vật mới được phát hiện tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động (Quan Hóa). Loài thực vật mới được phát hiện và đặt tên là My điểm hồng Nam Động (Hemiboea thanhhoensis), thuộc họ Tai voi Gesneriaceae. Đây là một loài cây thân thảo lâu năm, có thể cao tới 50 cm, thân có 6 đến 12 đốt và hiếm khi phân cành. Lá đơn, mọc đối, hình trứng hẹp hay bầu dục, có chiều dài 9 đến 13 cm, rộng 2,5 đến 4 cm, hai mặt lá nhẵn, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới xanh nhạt, đầu lá nhọn, đôi lá nêm hẹp, mép lá có răng cưa, gân bên 7˗12 cặp, cuống lá dài 1,4˗2,5 cm. Hoa dạng tán ở nách lá, mang 3 đến 6 hoa, cuống hoa dài 1,8 đến 4,2 cm. Bao hoa màu trắng với những điểm hồng, hai mặt nhẵn, đường kính bao hoa 2,2 đến 2,7 cm. Đài hoa 5 cánh, dạng trái hay trứng hẹp, dài 1,7 đến 1,9 cm, rộng 0,6 đến 0,7 cm. Cách hoa màu trắng, bên trong có các điểm hồng và 2 dải nâu vàng. Nhị 4, chỉ nhị dài 1,1˗1,8 cm, có lông ngắn ở đáy, bao phấn hình bầu dục. Nhụy hoa dài 1,8˗1,9 cm, nhẵn, bầu thượng. Loài My điểm hồng được phát hiện dưới tán rừng ở độ cao 900 đến 1.000 m so với mực nước biển.

4.2. Loài Rắn Khuyết Nam Động: Một nhóm các nhà khoa học trong và ngoài nước do TS. Lưu Quang Vinh, chuyên gia động vật học của Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam phụ trách, trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện và mô tả một loài rắn mới cho khoa học thế giới tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Loài rắn mới này được đặt tên là Rắn Khuyết Nam Động (Lycodon namdongensis Luu, Ziegler, Ha, Le & Hoang 2019) theo địa danh thu mẫu để mô tả loài mới. Đặc điểm nhận dạng chính khi trưởng thành: Dài thân khoảng 575 mm, dài đuôi khoảng 148 mm, không có nanh và không có tuyến nọc độc, có 12 răng hàm trên; vảy thân nhẵn, 17 hàng vảy quanh giữa thân, 218 vảy bụng, 85 đôi vảy dưới đuôi, 8 vảy môi, 10 vảy môi dưới, tấm má không chạm mắt, trên mặt lưng màu đen với 23 vạch ngang màu trắng ở phần thân và 14 vạch ngang màu trắng ở phần đuôi, bụng màu trắng đục. Dựa trên các so sánh về sinh học phân tử, loài rắn mới này có ít nhất 6,5% sự khác biệt về mặt di truyền so với các loài khác trong cùng giống.    

Việc phát hiện các loài động, thực vật mới My điểm hồng, rắn khuyết Nam Động đã bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, là cơ sở quan trọng để Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa đưa ra giải pháp, nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên trong tương lai theo hướng bảo tồn và phát triển bền vững rừng; bảo vệ giá trị thiên nhiên của khu bảo tồn cho muôn đời sau./.

Một số hình ảnh tại Khu Bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa

Lê Văn Sơn – Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa