Hội nghị về Kế hoạch phát triển cây ăn quả trên vùng đất chân núi đá vôi và đất bãi bồi ven sông Mã tại 2 huyện Cẩm Thủy và Bá Thước
Sáng ngày 02/8/2024, tại Hội trường Huyện uỷ Cẩm Thuỷ, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển cây ăn quả trên vùng đất chân núi đá vôi và đất bãi bồi ven sông Mã tại 2 huyện Cẩm Thủy và Bá Thước.
Chủ trì hội nghị: Đồng chí Cao Văn Cường – Tỉnh ủy viên - GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT và Đồng chí Lê Đức Thuận – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT. Tham dự Hội nghị có đại diện một số phòng, đơn vị trực thuộc Sở; Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện; các phòng ban liên quan; Bí thư, Chủ tịch các xã, thị trấn của 02 huyện Bá Thước và Cẩm Thuỷ; một số doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp hữu cơ, sinh học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau khi nghe Dự thảo Kế hoạch phát triển cây ăn quả trên vùng đất chân núi đá vôi và đất bãi bồi ven sông Mã tại 2 huyện Cẩm Thủy và Bá Thước do Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, các đại biểu tham dự hội nghị đã bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao với dự thảo kế hoạch; đồng thời thảo luận, làm rõ những khó khăn vướng mắc trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển cây ăn quả nói riêng trên địa bàn các huyện miền núi. Hội nghị cũng đưa ra những định hướng, giải pháp phù hợp để triển khai kế hoạch có hiệu quả.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Phát biểu Kết luận Hội nghị, Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã nhấn mạnh về mục đích của Kế hoạch, là nhằm phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phục vụ nhu cầu tiệu thụ nội địa; mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và thị trường của 2 huyện Bá Thước và Cẩm Thủy. Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; xây dựng được thương hiệu một số cây ăn quả tại Thanh Hóa; từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo đó, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm triển khai Kế hoạch đảm bảo có hiệu quả như sau:
Trước mắt đề nghị Huyện uỷ, UBND các huyện lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thành công mô hình trồng Cây ăn quả trên chân đất bãi bồi và chân núi đá vôi phù hợp với đất đai, nông hóa thổ những và tiểu vùng sinh thái như: cây Na đài loan, Na dai, cây Ổi…;
Tuyên truyền, quán triệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất chân núi, ven sông cho cán bộ và nhân dân;
Rà soát, khoanh vùng và lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp, tập trung các đối tượng cây ăn quả: Chuối, na, ổi, xoài,...;
Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất và cơ chế hỗ trợ xây dựng mô hình. Xây dựng mô hình điểm từ đó nhân ra diện rộng: Tại huyện Cẩm Thuỷ, xây dựng mô hình trồng ổi tập trung từ 10 ha trở lên; Tại huyện Bá Thước xây dựng mô hình trồng na tập trung từ 10 ha trở lên. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hướng tới chứng nhận hữu cơ;
Giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng: Lồng ghép các chương trình, dự án, cơ chế chính sách nhất là chính sách phát triển cây ăn quả theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức phi Chính phủ …để nâng cấp cơ sở hạ tầng hình thành vùng sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao;
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; tạo cơ chế thông thoáng, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh gọn trong việc thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư vào sản xuất cây ăn quả.
Phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh từ đó quảng bá thương hiệu sản phẩm ổi Cẩm Thủy, na Bá Thước ra thị trường trong và ngoài nước; đồng thời kiểm dịch sản phẩm để tạo được sự tin tưởng cho khách hàng;
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển cây ăn quả trên địa bàn, từ đó từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay và thực hiện việc cấp mã số vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp; tiếp tục duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý của cây ổi Cẩm Thủy, na Bá Thước;
Gắn phát triển cây ăn quả với mô hình du lịch sinh thái trong nông thôn: Lựa chọn, tập trung xây dựng vùng cây ăn quả gắn với phát huy, phát triển các di sản văn hóa bản địa. Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái./.
Chi cục Trồng trọt và BVTV