Hiệu quả từ mô hình trồng Nấm

Nấm bào ngư, nấm sò, nấm mộc nhỉ, nấm linh chi là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp một lượng chất đạm, đường bột, vitamin và khoáng chất khác, đồng thời là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe, phòng, chống nhiều bệnh tật và cũng là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế. Mặt khá, đây lại là một trong những loại nấm dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, nguyên liệu đầu vào dễ kiếm.... Dựa vào những đặc tính như trên, anh Lê Đình Trúc - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trúc Phượng, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh đã và đang trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn 3 năm ra Bắc vào Nam làm nhiều nghề khác nhau, anh Lê Đình Trúc trở về quê hương gây dựng  sự nghiệp với 2 bàn tay trắng. Nhận thấy trên địa bàn xã Như Thanh có nhiều nguyên liệu như mùn cưa, rơm.. do các hộ làm mộc, làm nông nghiệp bỏ ra anh thấy phí nên đã nảy sinh ra ý định trồng nấm vừa phục vụ thực phẩm gia đình, vừa bán ra thị trường để trang trải cuộc sống.

Năm 2010, anh quyết định sử dụng toàn bộ khu vực đất nông nghiệp của gia đình để xây nhà màng với diện tích 3.500m2 để thử nghiệm trồng nấm.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cấy nấm kết hợp với môi trường miền Bắc khắc nghiệt nên trong quá trình nuôi anh đã gặp không ít khó khăn, hiệu quả mang lại chưa cao. Anh cùng vợ quyết tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm qua mạng internet, sách báo, bạn bè, đi tham quan thực tế các mô hình ở xã, huyện bạn. Đến nay, mặc dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu, nhưng anh vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật.

Năm 2014, anh mở rộng diện tích nuôi trồng nấm. Nhưng vì nguồn tiền ít nên anh quyết định kêu gọi vốn đầu tư và thành lập HTX Trúc Phượng với quy mô gần 3ha, trong đó khu sản xuất là 1ha, khu vô trùng, nuôi cấy nấm 01ha, khu sản xuất và sơ chế, chế biến 0.5ha.

Theo anh Trúc, nấm bào ngư, nấm sò, nấm  linh chi nấm mộc nhĩ là những loại nấm dễ trồng, cho năng suất và mang lại giá trị kinh tế cao, thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng. Từ khi trồng cho tới khi thu hoạch mất khoảng 70 ngày. Cứ 10 ngày anh thu hoạch 1 lần  tùy từng loại nấm khác nhau mà cho thu hoạch khác nhau. Với diện tích 1ha diện tích sản xuất hàng năm cho: nấm mộc nhĩ 4-5 tấn tươi/ năm; nấm bào ngư và nấm sò 30-40 tấn tươi/năm; nấm linh chi khoảng 2 tấn tươi/năm. Tổng thu từ 1,4-1,6 tỷ/ năm sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 400-500 triệu/năm.

Mô hình trồng nấm thân thiện với môi trường, hầu như không có rủi ro, ít dịch bệnh, sau khi thu hoạch có thể tận dụng mùn phôi thải để trồng nấm rơm và một số các loại nấm khác đặc biệt là anh tận dụng để làm mạ khay bán cho các thành viên trong HTX với giá thành ưu đãi.

Theo anh Trúc, nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và giữ độ ẩm tốt. Giàn kệ hoặc trụ treo bịch phải đủ vững để chịu sức nặng của các bịch phôi. Nền nhà bằng đất hay cát giữ ẩm tốt hơn nhưng cần rắc vôi để tẩy trùng. Nóc nhà lợp lá tạo độ mát cần thiết cho cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Để tiết kiệm chi phí, anh Trúc chọn trồng nấm bằng cách treo trên dây hoặc làm kệ, tùy từng loại nấm, phía trên trần nhà có các kèo gỗ để buộc dây treo phía dưới  từ 5 – 10 bịch. Mật độ phôi nấm trên diện tích nhà trồng phải phù hợp, đảm bảo độ thông thoáng nhằm đạt năng suất cao. Độ ẩm là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nấm dao động ở mức 80% đến 100%, bên cạnh đó cũng cần chú ý đến nhiệt độ và cả độ thoáng khí. Ngoài ra trước khi đưa nấm vào cấy cần vô trùng nấm với nhiệt độ 200-300oC sau 2-3 ngày để nguội mới bắt đầu cấy nấm.

Anh Trúc cho biết thêm, nấm bào ngư, nấm, nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi… không quá khó trồng nhưng lại dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, anh đều tiến hành rải vôi diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để diệt địa y, rong rêu. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và cách bảo quản đúng kỹ thuật, anh trang bị hệ thống tưới phun sương 2-3 lần/ngày để đảm bảo cấp nước liên tục với lượng nước phù hợp.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm của HTX chủ yếu liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhằm nâng cao giá thành trong sản xuất HTX Trúc Phượng còn đầu tư thêm máy chế biến sản phẩm từ nấm như sanck, bim bim… và một số loại sản phẩm khác.

Hiện nay HTX Trúc phượng đã có 3 sản phẩm đạt Ocop đạt 3 sao xuất ra thị trường chủ yếu là các hệ thống cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Theo anh Trúc HTX sẽ phát triển ngành nấm ăn, nấm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; góp phần giải quyết việc làm cho các thành viên HTX và bà con trong vùng, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp ngành nông nghiệp có thêm sự lựa chọn về những mô hình giúp nông dân nâng cao thu nhập trong bối cảnh một số mặt hàng nông sản đang dần bão hòa về thị trường.

Hoàng Thị Thu Hằng – TTKN Thanh Hóa