Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Thường Xuân

Ngày 11/7/2024, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 tại huyện Thường Xuân.

Thực hiện Công văn số 57/PCTT,TKCN&PTDS ngày 01/6/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về việc kiểm tra kết quả chuẩn bị công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 tại các địa phương; ngày 11/7/2024, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN&PTDS tỉnh làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 tại huyện Thường Xuân. Cùng tham gia Đoàn công tác có đồng chí Khương Anh Tấn, Phó Chánh Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các đồng chí cán bộ của Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Theo chương trình công tác, đoàn đã đến kiểm tra công trình hồ Thành Rõ, xã Tân Thành; đây là công trình hồ chứa được đánh giá hư hỏng, xuống cấp và đang được đầu tư xây dựng, tu bổ. Theo báo cáo của UBND huyện Thường Xuân, công trình hồ Thành Rõ hiện nay tiến độ thi công đạt khoảng 85%, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành; hiện nay, huyện đang tích cực chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch, sẵn sàng đưa vào phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hoài Nam kiểm tra công trình hồ Thành Rõ, xã Tân Thành

Sau khi kiểm tra công trình hồ Thành Rõ, xã Tân Thành, Đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị Phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” tại xã Ngọc Phụng; trong đó tập trung kiểm công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị của xã.

Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hoài Nam kiểm tra công tác chuẩn bị Phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” tại xã Ngọc Phụng

Kết thúc kiểm tra thực địa, tiến hành tổ chức Hội nghị làm việc, trao đổi với UBND huyện Thường Xuân về công tác phòng, chống thiên tai năm 2024. Đồng chí  Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hoài Nam đã phát biểu kết luận một số nội dung sau:

Từ nay đến hết năm 2024, tỉnh ta sẽ bước vào thời kỳ mưa, lũ, bão chính vụ, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra các trận/đợt thiên tai lớn, diện rộng, dài ngày và các sự cố, rủi ro khó lường khác. Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác PCTT, TKCN và PTDS năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, trong đó đã chỉ đạo cụ thể các nội dung công việc và ban hành Chỉ thị để các cấp, các ngành chủ động triển khai thực hiện. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Thường Xuân khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung:

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT, TKCN và PTDS năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 (Thông báo số 79/TB-UBND ngày 02/5/2024 của UBND tỉnh); Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 21/5/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024.

2. Tổ chức rà soát, kiểm các công trình phòng, chống thiên tai, các công trình thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai (hồ đập, tiêu úng, chống sạt lở, ngầm tràn,...) nhằm đánh giá cụ thể hiện trạng, khả năng hoạt động, vận hành, từ đó xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình, các vị trí trọng điểm xung yếu, các công trình hư hỏng, mất an toàn. Đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, phải yêu cầu các Chủ đầu tư, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành các công trình để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

3. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án, kịch bản và các hồ sơ pháp lý có liên quan đến công tác Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự; đặc biệt, Thường Xuân là địa phương có dân cư cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra rất lớn (2.507 hộ/10.355 nhân khẩu), do đó cần chú trọng việc xây dựng phương án sơ tán dân cư sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai đảm bảo chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế, sẵn sàng triển khai khi có tình huống xảy ra.

4. Đối với các dự án sắp xếp, ổn định dân cư theo đề án 4845 của tỉnh, đề nghị huyện tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 74/TB-UBND ngày 19/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đúng thời gian yêu cầu.

5. Chỉ đạo các địa phương, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, chỉ huy theo phương châm “4 tại chỗ” trên cơ sở các phương án, kế hoạch, kịch bản đã xây dựng, phê duyệt; tuyệt đối không chuẩn bị hình thức, chiếu lệ.

6. Tổ chức ngay các Đoàn công tác để kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT tại các địa phương, đặc biệt là tại các xã, phường, thị trấn, thôn, bản trọng điểm để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh đối với các đơn vị thực hiện chưa tốt.

7. Tổ chức thanh thải các vật cản, nạo vét các kênh tiêu, trục tiêu, lòng dẫn chính để đảm bảo tiêu thoát lũ. Chuẩn bị lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa, lũ xảy ra.

8. Chú trọng việc xây dựng các kế hoạch tập huấn, diễn tập đối với các tình huống thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với thực tế của địa phương.

9. Tăng cường công tác Thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện.

10. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban phòng chống thiên tai. Khi có thiên tai, thiệt hại xảy ra, phải thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định và báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT và Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

 

Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa