Ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong trồng thâm canh cây dưa hấu

Cây dưa hấu tên khoa học là Citrullus lanatus là một loài thực vật thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), quả hưa hấu được biết đến là loại quả có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Là cây nhiệt đới, dưa hấu trồng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nước ta, được trồng quanh năm ở nhiều vùng miền. Để dưa hấu cho năng suất cao, phẩm chất ngon, quả đẹp trong quá trình trồng thâm canh dưa hấu cần ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật.

1. Chọn giống: Chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, dễ đậu quả, quả đồng đều, mẫu mã đẹp, có khả năng chống chịu tốt một số đối tượng sâu bệnh. Điển hình là hạt giống lai F1 như Hắc mỹ nhân, Nông Việt 036, KH 8.0, PERFECT, Phú Điền 555… có thời gian sinh trưởng 60-65 ngày.

2. Thời vụ trồng:

- Vụ xuân: Trồng từ 25/02 – 25/03 dương lịch.

- Vụ hè: Trồng nửa đầu tháng 5 dương lịch.

- Vụ đông: Trồng cuối tháng 8 – đầu tháng 9 dương lịch.

3. Kỹ thuật làm vườn ươm

- Lượng hạt giống: 0,5-1 kg/ha, tùy theo hạt nhỏ hay hạt to.

- Ngâm và ủ hạt: Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) từ 4 - 5 giờ. Vớt hạt rửa sạch hết nhớt. Ủ hạt trong khăn ẩm trong 2 - 3 ngày ở nhiệt độ 28 – 300 C cho nứt mầm

- Gieo thẳng: Chuẩn bị hố trồng sâu 10cm, bón phân tro hoai mục để giữ đất ẩm sau khi gieo. Gieo hạt đã nứt mầm, sâu 2-3cm, lấp hạt với tro trấu hay đất bột.

- Gieo bầu: Gieo hạt trong bầu là thuận lợi nhất, tiện cho việc chăm sóc cây con, tiết kiệm hạt giống và có thời gian chuẩn bị đất trồng chu đáo hơn. Cách làm bầu và ươm cây con như sau:

+ Làm bầu bằng giấy báo/lá chuối cuộn:

Đất trộn bầu gồm đất, phân chuồng mục, trấu tỉ lệ 6: 4: 1. Đất để làm bầu phải chọn nơi khô ráo, sạch nguồn bệnh.

Dùng giấy báo cuộn thành ống hình tròn đường kính 4-5 cm sau đó cắt thành từng bầu cao 5-7 cm. Cho đất vào ½ bầu, xếp bầu vào khay. Sau đó đem gieo vào bầu, đặt hạt nằm ngang, rễ quay xuống dưới. Sau khi gieo hạt xong lấp lớp đất mỏng phủ hạt, tưới đủ ẩm.

Để khay đựng bầu dưa ngoài trời, khi trời mưa hoặc nắng trên 350C phải che chắn cẩn thận. Cần đề phòng chuột, kiến tha hạt. Tưới đủ ẩm, không nên tưới nhiều nước, cây dễ bị chết ẻo vào mùa nóng.

- Làm bầu bánh:

Nguyên liệu bùn và đất bột trộn theo tỷ lệ 1:3 hoặc 1:4, dàn đều trên nền đất cứng và cắt thành từng ô kích thước 6 x 6 x 3 (chiều dài 6cm, rộng 6cm, độ dầy đát bùn 3cm). Đục lỗ giữa bánh và tra hạt rồi lấp đất bột kín hạt.

- Sau khi gieo, cây mọc khỏi mặt bầu 1 cm phải gỡ bỏ vỏ hạt khỏi lá mầm.

4. Chuẩn bị đất và làm đất

- Đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ (lúa, ngô, cây họ đậu). Chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt.

- Đất trước khi trồng phải dọn sạch cỏ dại, tàn dư trên đồng ruộng và cày, bừa kỹ, dùng vôi bột để xử lý đất và phơi ải.

- Lên luống rộng 2,5 - 3 m (cả mặt luống và rãnh) loại luống đơn; 5 - 6 m với luống đôi. Rãnh rộng 35-40 cm, sâu 25-30 cm. Hướng luống đông - tây để có nhiều ánh sáng. 

- Sau khi bón lót tiến hành phủ màng nông nghiệp để giữ đất tơi xốp, giữ ẩm, ấm cho cây, tránh rửa trôi dinh dưỡng khi mưa to, tránh cỏ dại. Cách trải màng phủ: Hướng mặt bạc lên trên luống, mặt đen xuống dưới; kéo căng nilon, ghim chặt bằng dây thép, chặn mép luống và màng phủ bằng đất sát mép.

- Trước khi phủ nilon phải bơm nước vào rãnh, té ẩm mặt luống, phun thuốc phòng, trừ sâu và nấm bệnh bằng các loại thuốc như: Vitako 350 WP, Sunphat đồng…

5. Mật độ, khoảng cách: Khoảng cách thích hợp là 2,3-2,5 m x 0,4-0,45 m (hàng cách hàng 2,3-2,5 m; cây cách cây 0,4-0,45 m); mật độ từ 9.000 – 11.000 cây/ha (450-550 cây/sào 500m2) .

6. Cách trồng: Khi cây con được 1-2 lá thì có thể đem trồng. Đặt cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất kỹ. Không nên trồng sâu quá, tưới đủ ẩm trong những ngày đầu.

Lưu ý: Chỉ chọn những cây giống khoẻ mạnh, loại bỏ những cây quá nhỏ, cây mù (cây không có rễ, mất lá mầm). Sau trồng để lại khoảng 5-10% số cây để dặm khi bị mất khoảng.

7. Bón phân:

a) Lượng phân bón (tính cho 1 ha):

Tùy theo độ màu mỡ của đất để bón nhiều hay ít.

- Bón lót: Phân chuồng mục nên bón 25 - 30 tấn/ha,

Phân NPK 13:13:13+TE bón 250 - 300 kg/ha, lân super bón 100 kg/ha.

- Bón thúc: Đạm Ure 80 - 150 kg/ha; Kaliclorua: 80 - 100 kg/ha.

Ngoài ra còn có thể dùng bã đậu tương ngâm, nước phân chuồng ủ mục bón thúc khi quả đang phát triển.

b) Cách bón

- Bón lót: rải đều phân theo rạch sau đó lấp đất.

- Bón thúc:

Lần 1: sau trồng 7 - 10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân đạm và kali tưới xung quanh gốc.

Lần 2: sau trồng 15 ngày, hòa loãng phân đạm và kali tưới vào gốc.

Lần 3: Trước khi cây ra hoa, bón phân đạm và kali trộn lẫn vào gốc rồi lấp đất.

Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 ngày sau trồng thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Kết thúc bón phân trước thu hoạch 10 ngày.

Lượng phân bón cho dưa hấu:

Loại phân

Bón lót

Bón thúc

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Lần 5

Lần 6

Phân chuồng (tấn /ha)

20-30

           

Lân super (kg)

100

           

Đạm urea (kg)

 

10-20

20-30

20-30

10-30

10-20

10-20

Clorua kali (kg)

 

10-15

20-25

20-25

10-20

10-15

10

NPK 13:13:13+TE (kg)

250-300

           
 

 

7. Tưới nước, chăm sóc cây

a) Tưới nước: Dưa hấu ưa ẩm, chịu hạn nhưng rất sợ bị ngập úng. Vì vậy, cần tưới đủ nước trong thời gian sinh trưởng và đảm bảo độ ẩm của đất 70 – 75%, chỉ giảm lượng nước tưới khi gần thu hoạch. Khi cây lớn có thể tưới thấm bằng cách cho nước vào rãnh sau đó phải tháo ngay và không để ngập mặt luống; trước khi thu hoạch 7-10 ngày để ruộng dưa khô ráo (độ ẩm đất 50-60%) để giúp dưa ngọt, chắc quả.

Tưới nước theo rãnh cho dưa hấu.

b) Chăm sóc

- Nếu dùng màng phủ nông nghiệp, chỉ cần làm cỏ rãnh dưa, không nên dùng thuốc trừ cỏ ở rãnh dễ làm tổn thương lá.

- Bấm ngọn, tỉa nhánh: Khi cây có 4-5 lá thật tiến hành bấm ngọn để lại 3-4 lá phía gốc. Khi các nhánh ra khoảng 15-20 cm lựa chọn 2 nhánh đều, đẹp nhất và ngắt bỏ hết các nhánh khác để tránh tiêu hao dinh dưỡng, giúp dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt.

- Định hướng cho dây dưa về một hướng cố định để thuận tiện cho việc tuyển quả sau này. Quay ngọn dưa khi ngọn bò ra đến mép luống đối với luống đơn; Cứ 2 luống trồng thì cho quay ngọn vào nhau để tạo thành luống đôi.

- Cố định dây dưa bằng gim tre hoặc dây nilon để gió không làm lật dây.

Định hướng cho dây dưa về một hướng để thuận lợi cho việc tuyển quả

- Thụ phấn: Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc nuôi quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn vào buổi sáng 6-9 giờ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25-30 ngày. Ngắt hoa đực nở to, chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to (các hoa 2, 3, 4 thường là hoa to), thời gian thụ phấn nên kéo dài 5 - 7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.

- Chọn quả: Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 - 4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh. Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm cho khỏi thối.

8. Phòng trừ sâu bệnh:

- Đối với sâu hại: Chủ yếu là bọ trĩ, rầy mềm, rệp, dòi đục lá, sâu xanh ăn lá, sâu khoang, sâu vẽ bùa, nhện đỏ….Sâu gây hại bắt đầu từ giai đoạn cây con cho đến thu hoạch; bộ phận gây hại chủ yếu là lá non và đọt non; chúng làm cho ngọn non bị kém phát triển, lá vàng xoắn lại và khô.

- Đối với bệnh hại: Chủ yếu là bệnh chết ẻo cây con, lỡ cổ rễ, nứt thân chảy nhựa, cháy lá, héo xanh vi khuẩn, thán thư…Bệnh xuất hiện nhiều khi thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao, mưa nhiều.

Để hạn chế sâu bệnh hại trên cây dưa hấu, cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp ICM, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM như:

- Sử dụng giống kháng bệnh; ươm cây trong bầu; trồng cây khoẻ; xuống giống đồng loạt.

- Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, cày bừa, phơi đất, xử lý đất trước khi trồng để kiểm soát cỏ dại, tăng độ tơi xốp cho đất, giảm sự có mặt của các nguồn bệnh có nguồn gốc trong đất như bệnh chết ẻo cây con, héo rũ, cháy lá…

- Lên luống cao, thoát nước tốt, che phủ nilon.

- Luân canh với những loại cây trồng khác (trừ họ bầu bí, dưa).

- Bón phân cân đối, hợp lý.

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, ít độc hại, tuân thủ thời gian cách ly trước thu hoạch.

9. Thu hoạch: Thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết, khi vỏ quả láng bóng, gân hiện rõ, phần tiếp xúc với nilon có màu vàng có thể thu hoạch được. Cắt cuống dài 8 - 10 cm, vận chuyển nhẹ nhàng, dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát./.

Trịnh Hà – TT Khuyến nông Thanh Hoá