Khắc phục sự cố Đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2024
Tỉnh Thanh Hóa là địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước với 4 hệ thống sông chính là sông Hoạt, sông Mã, sông Yên, sông Lạch Bạng; tổng chiều dài các sông khoảng 425,7 km; tổng chiều dài bờ biển là 102 km; tổng chiều dài đê là 1.008 km, gồm 443 công trình kè dài 264,91 km, 1.121 cống qua đê. Hệ thống đê từ cấp I đến cấp III trên các con sông lớn và đê biển gồm 09 tuyến (đê tả, hữu sông Chu; tả, hữu sông Mã; tả, hữu sông Lèn; tả, hữu sông Lạch Trường và đê biển Hậu Lộc) dài 315 km, trong đó có 189 kè (chiều dài 135,2 km), 249 cống và 2 âu (âu Báo Văn và âu Bến Ngự). Hệ thống đê dưới cấp III trên các con sông nhỏ gồm 54 tuyến đê sông và đê biển dài là 693 km, trong đó có 254 kè (chiều dài 129,71 km), 869 cống và 01 âu (âu Mỹ Quan Trang).
Mặc dù trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cùng nguồn ngân sách của tỉnh, Thanh Hóa đã đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Hiện, nhiều đoạn đê được đắp trên những nền sình lầy, đất yếu, thân đê được đắp bằng loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, một số đoạn đê dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa, bão lớn… hơn nữa nhiều cống dưới đê được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho công trình đê điều.
Cụ thể từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 sự cố công trình về đê điều với 3 sự cố công trình đê điều từ cấp I đến cấp III, 3 sự cố trên đê cấp IV, V. Trong đó, chỉ riêng đợt mưa lớn diễn ra từ ngày 24/6 - 26/6/2024 đã xảy ra 03 sự cố tại các vị trí sau: Cống Nổ Thôn tại K26+711 đê tả sông Mã, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc; cống Tế Nông 6 tại K2+300 đê bao Tế Nông, xã Tế Nông, huyện Nông Cống (trọng điểm năm 2024); sụt lún mái, cơ kè tại K35+090 đê tả sông Mã với chiều dài theo đê khoảng 7m, rộng 2m thuộc địa bàn xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa.
Trong đó sự cố cống Tế Nông 6 có tính chất nghiêm trọng, theo báo cáo của UBND huyện Nông Cống, 6h00 sáng ngày 27/6/2024 tại vị trí K2+300 (trọng điểm cống Tế Nông 6) thuộc tuyến đê bao Tế Nông, xã Tế Nông (đê địa phương, cấp V) đã xảy ra sự cố sập thân cống phía đồng, mái đê phía đồng bị sụt, kích thước chiều dài theo đê 3,5m, rộng 3,0m theo mặt cắt ngang, sâu 3,5m sát mép mặt đê phía đồng 0,3m; thân cống bị vỡ 01 ống cống dài 2,0m; hai bên mang cống phía sông bị sụt dọc theo tường cánh cống, chiều dài theo tường cánh cống 2,0m ; rộng 1,0m; sâu trung bình khoảng 0,5m. Nguyên nhân do cống được xây dựng từ năm 2008, thân cống là các ống tròn bằng bê tông cốt thép ghép nối với nhau, cống bị lùng mang, thủ cống, giàn đóng mở, tường cánh phía sông bị lún nghiêng về phía mặt đê kết hợp với đợt mưa lớn diễn ra từ ngày 24/6 - 26/6/2024 dẫn đến sự cố sập thân cống nêu trên.
Hình ảnh sự cố trọng điểm cống Tế Nông 6 tại K2+300, đê bao Tế Nông, xã Tế Nông, huyện Nông Cống.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Chi cục Thuỷ lợi Thanh Hoá đã có Văn bản số 591/CCTL-QLĐĐ ngày 27/6/2024 đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nông Cống xử lý sự cố nêu trên theo phương châm “4 tại chỗ” và thực hiện theo Phương án trọng điểm cống Tế Nông 6 tại vị trí K2+300 đã được UBND huyện Nông Cống phê duyệt, đảm bảo an toàn cho cống, công trình đê điều. Đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo và căng dây khu vực đang có diễn biến sụt, vỡ cử người túc trực thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông của xã và thực hiện phân luồng giao thông, không cho phép người dân, các loại phương tiện và gia súc đi qua khu vực đang xảy ra sự cố.
Kết quả xử lý, UBND huyện Nông Cống, Ban chỉ huy trọng điểm cống Tế Nông 6 đã phối hợp với UBND xã Tế Nông xử lý giờ đầu sự cố nêu trên bằng biện pháp hoành triệt tạm cống, đào mở rộng vị trí sụt, sập, đắp đầm trị hoàn trả lại mái đê phía đồng và hai bên mang cống phía sông, phủ bạt, che chắn và cắm biển cảnh báo sự cố. Sự cố được xử lý xong lúc 18h00 cùng ngày, UBND huyện Nông Cống đã giao UBND xã Tế Nông tiếp tục theo dõi, rào chắn, đặt biểm báo cấm tại vị trí cống, hiện tại sự cố đang ổn định và không có diễn biến bất thường.
Hình ảnh xử lý sự cố cống Tế Nông 6 theo phương châm “4 tại chỗ”
Với vị trí địa lý và hệ thống đê điều lớn của tỉnh Thanh Hoá như hiện nay thì việc xảy ra những sự cố tương tự nêu trên là vô cùng nghiêm trọng, vì vậy ngày 28/6/2024 Chi cục Thuỷ lợi đã có Văn bản số 601/CCTL-QLĐĐ về việc yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố có đê rà soát, thống kê các sự cố công trình đê điều trên địa bàn tỉnh với một số nội dung cụ thể như sau:
- Đối với các sự cố công trình đê điều mới phát sinh (chưa có trong danh sách 34 trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Sở Nông nghiệp và PTNT gửi cho các địa phương tại Công văn số 3051/SNN&PTNT-TL ngày 07/6/2024), khẩn trương xây dựng và phê duyệt phương án trọng điểm đê điều xung yếu để tổ chức thực hiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
- Phối hợp với Hạt Quản lý đê trên địa bàn để rà soát, thống kê các sự cố công trình đê điều đã xảy ra trong năm 2023, 2024 nhưng chưa được bố trí kinh phí để xử lý triệt để (sự cố không nằm trong các chương trình, dự án đầu tư), gửi kết quả về Chi cục Thủy lợi để tổng hợp, báo cáo.
- Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
- Tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.
Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa