Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao, ngày 18/6/2024, Đoàn công tác của Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi đi kiểm tra một số công trình đê điều, thủy lợi, PCTT trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Đoàn công tác đã làm việc với Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh và các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi. Tại buổi làm việc, đồng chí Khương Anh Tấn - Phó Chánh Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh đã báo cáo khái quát về công tác PCTT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều công trình thủy lợi, đê điều, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước với hơn 2.524 công trình thủy lợi đầu mối, (trong đó: Có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm tưới tiêu các loại), 1.008 km đê sông, đê biển, hàng chục nghìn km kênh mương, 16 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và hàng trăm công trình cấp nước tự chảy tập trung ở khu vực miền núi,…hầu như không có năm nào tỉnh Thanh Hóa không phải hứng chịu hậu quả do thiên tai gây ra. Nhằm chủ động trong công tác Phòng, chống thiên tai năm 2024, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, trong đó tập trung vào một số công việc cụ thể như: (1) Kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng quy định, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy; (2) Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai và Phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thiên tai và tình hình phát triển kinh tế xã hội; (3) chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, như yếu phẩm,... để phục vụ công tác Phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; (4) rà soát, xác định các vị trí xung yếu về đê điều, các hồ chứa mất an toàn để tiến hành lập, phê duyệt các phương án bảo vệ theo quy định (năm 2024, qua kiểm tra, đánh giá đã xác định 34 trọng điểm đê điều xung yếu và 86 hồ chứa mất an toàn);…

Đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai của tỉnh Thanh Hóa trong những năm vừa qua. Ngoài ra, Đoàn cũng đã lắng nghe, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị và Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh; kịp thời trao đổi, giải đáp theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định./.

Một số hình ảnh làm việc của Đoàn công tác:

Đoàn công tác làm việc với Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT tỉnh

Đoàn đi thăm công trình đập thủy lợi Sông Lèn (dự án KEXIM)

Chi cục Thủy lợi