In Pond Raceway System (IPRS) là công nghệ nuôi bền vững với mật độ cao giúp tăng năng suất nuôi bằng việc sử dụng ít diện tích nuôi, do vận dụng nguyên lý nước lưu thông trong ao, có thể nuôi, thả cá liên tục quanh năm

Nguyên lý "Sông trong ao", nghĩa là bằng máy móc và với thiết kế khoa học sẽ tạo ra dòng chảy liên tục trong ao, khiến cá được bơi ngược dòng như ở sông, vì vậy cá luôn vận động, săn chắc. Điều quan trọng là với hệ thống xử lý môi trường bảo đảm sẽ tạo ra nguồn cá thương phẩm sạch, thơm, ngon, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đặc biệt rủi ro dịch bệnh được hạn chế tối đa. Khi có phát sinh vấn đề dịch bệnh việc xử lý cũng dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, bởi cá được nuôi trong diện tích nhỏ, các yếu tố nuôi được kiểm soát một cách chặt chẽ dễ dàng hơn.

Hiện nay do biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ nóng lên toàn cầu nên áp  giải pháp nuôi trồng thuỷ sản bền vững ứng dụng công nghệ “Sông trong ao” có thể là tương lai của nuôi trồng thủy sản bền vững, bởi bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khốc liệt, yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm ngày càng cao. Công nghệ này đã tiết kiệm được nguồn nước, đất, năng lượng, nhân công… Bảo vệ môi trường tốt vì loại bỏ hơn 70% lượng chất thải rắn ra ngoài môi trường trong quá trình nuôi hoặc ít thay nước. Công nghệ đã đẩy thêm một bước hiện đại trong nuôi trồng thủy và đơn giản hóa trong quá trình vận hành. Sản phẩm tạo ra an toàn và chất lượng tốt hơn, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và bảo vệ hệ sinh thái môi trường.

Tuy nhiên khi áp dụng công nghệ này không dễ và không dành cho tất cả mọi người. Bởi lẽ, chuyển từ nuôi truyền thống sang “Sông trong ao” giống như nuôi quy mô nhỏ lẻ sang công nghiệp thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao.

Muốn triển khai nuôi cá “Sông trong ao” thì phải có diện tích ao lớn để xây dựng ít nhất 3 máng (sông), nếu ao nhỏ có thể gộp các ao liền kề. Cần có điện lưới ổn định và máy phát điện dự phòng để đảm bảo 24/24 nước trong máng luôn chảy. Bên cạnh đó, phải có nguồn giống đảm bảo về số lượng, kích cỡ, chất lượng, có tài chính để xây dựng hệ thống đầy đủ và mua thiết bị liên quan, mua cá giống và chi phí vận hành.

Qua tham quan thực tế một số hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho thấy mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” là một trong những điểm nhấn, định hướng cho phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp giải quyết khó khăn của người dân về ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, hiệu quả trên đơn vị diện tích. Hệ thống nuôi này cũng được ứng dụng linh hoạt, trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp cho người nuôi chủ động điều tiết được thời vụ, đối tượng trong quá trình sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ sản phảm.

Có thể nói mô hình nuôi cá “Sông trong ao” là hướng đi mới trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu cả về chất và lượng, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá IPRS có thể được nhân rộng, phát triển bền vững, tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh, rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt cần có nghiên cứu, đánh giá khoa học về hiệu quả của mô hình nuôi cá IPRS của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để từ đó có khuyến cáo, chỉ đạo trong việc quy hoạch, mở rộng hình thức nuôi cá này.

Công nghệ sông trong ao được coi là nền tảng giúp chúng ta bước chân được vào những thị trường tiêu thụ khó tính và tiềm năng. Thực chất, đối với tiêu dùng nội địa, Việt Nam có nhiều điều kiện sản xuất thủy sản nhưng chúng ta chưa thiết lập được kênh tiêu thụ. Để làm được điều này thì ngành nuôi trồng thủy sản cần có một nền tảng để phát triển. IPRS là một nhân tố thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

Một số hình ảnh của hoạt động tham quan tại tỉnh Hà Nam năm 2020 của Giám đốc Sở và các thành viên