Hội nghị báo cáo tóm tắt hiện trạng công trình đê điều và Phương án bảo vệ trọng điểm đê điều năm 2024

Ngày 30-31/5/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị báo cáo tóm tắt hiện trạng công trình đê điều và Phương án bảo vệ trọng điểm đê điều năm 2024 của một số huyện: Hoằng Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân.

      Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT, đồng chí Nguyễn Hoài Nam - chủ trì Hội nghị

Để chủ động trong công tác ứng cứu hộ đê, xử lý sự cố giờ đầu đê điều, diễn tập xử lý sự cố đê điều, phòng chống lụt, bão năm 2024, đảm bảo an toàn công trình đê điều và tài sản, tính mạng của người dân, ngày 30-31/5/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị báo cáo tóm tắt hiện trạng công trình đê điều và Phương án bảo vệ trọng điểm đê điều năm 2024 của một số huyện: Hoằng Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân. Chủ trì hội nghị đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cùng tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh phụ trách các huyện: Hoằng Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân và lãnh đạo, chuyên viên của Chi cục Thuỷ lợi, UBND các huyện Hoằng Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân.

Trên cơ sở báo cáo tóm tắt hiện trạng công trình đê điều và Phương án bảo vệ trọng điểm đê điều năm 2024 của các huyện: Hoằng Hoá, Nông Cống, Thọ Xuân, ý kiến tham gia của các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh phụ trách các huyện và ý kiến của các đồng chí tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 2996/SNN&PTNT-TL ngày 05/6/2024 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê về việc hoàn chỉnh phương án trọng điểm đê điều xung yếu năm 2024, trong đó có các nội dung chính như sau:

1. Hội nghị đánh giá cao công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa mưa lũ năm 2024, xác định và xây dựng Phương án trọng điểm đê điều, công tác chuẩn bị phương tiền, vật tư, nhân lực,… theo phương châm 4 tại chỗ của các huyện. Báo cáo cơ bản bám sát nội dung hướng dẫn tại Công văn số 103/ĐĐ-QLĐĐ ngày 02/02/2024 của Cục Quản lý đê điều và PCTT; Công văn số 692/SNN&PTNT-TL ngày 06/02/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT. Để tiếp tục hoàn thiện, đề nghị UBND các huyện tiếp tục rà soát, bổ sung một số nội dung sau:

- Rà soát các trọng điểm xung yếu, trong đó lưu ý các công trình đang thi công dở dang, các cống xung yếu, các cống mới xây dựng, nâng cấp chưa qua thử thách, các đoạn đê chưa đủ cao trình chống lũ thiết kế, căn cứ đặc điểm các tuy đê đã được chỉ ra tại hội nghị và các sự cố thường xảy ra qua các năm để xây dựng các trọng điểm xung yếu,…

- Hoàn thiện, phê duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm, xây dựng bản đồ chỉ đạo, điều hành cho từng trọng điểm (phương án huy động phương tiện, vật tư, nhân lực, đường vận chuyển, cấp đường, tải trọng xe cho phép, phân luồng giao thông,…), đảm bảo chủ động khi có tình huống xảy ra trên thực tế.

- Rà soát, bổ sung và kiện toàn các thành viên Ban chỉ huy trọng điểm, trong đó cần cụ thể chức danh Trưởng ban chỉ huy trọng điểm, mời lực lượng công an, bộ đội,… cùng tham gia; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban chỉ huy trọng điểm,…

2. Để chủ động đối phó với lũ và đề phòng những sự cố bất trắc có thể xảy ra, đề nghị các UBND huyện chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

- Tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 01/10/2019, nhất là tình trạng vi phạm xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và trên bãi sông, xe quá tải trọng trên các tuyến đê. Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Chỉ thị số 2592/CT-BNN-ĐĐ ngày 10/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.

- Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông, lòng sông.

- Tổ chức kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm “04 tại chỗ”; kiểm kê vật tư dự trữ trên địa bàn, bổ sung vật tư mới để phục vụ công tác hộ đê trước lũ năm 2024.

- Chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý sự cố giờ đầu đê điều, diễn tập xử lý sự cố đê điều, hộ đê, PCLB cho xã, phường. Tuyên truyền phổ biến cho các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn Phương án trọng điểm, Phương án hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế đã được phê duyệt để biết và thực hiện, đặc biệt là các hộ dân phải sơ tán, vị trí sơ tán (tại chỗ, tập trung) khi có tình huống phải sơ tán dân.

- Tổ chức ra quân phát quang dọn dẹp mái đê, chân đê phục vụ công tác tuần tra canh gác, xử lý sự cố trong mùa mưa lũ hoàn thành trước ngày 05/7/2024 theo chỉ đạo tại Công văn số 31/PCTT,TKCN&PTDS ngày 01/4/2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

- Phối hợp với Hạt Quản lý đê đóng trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các sự cố có thể xảy ra; đảm bảo công tác thường trực trực ban, thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thuỷ lợi.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện, thị xã, thành phố có đê chủ động rà soát, hoàn thiện Phương án trọng điểm đê điều xung yếu, Phương án hộ đê toàn tuyến và Phương án ứng phó với lũ lớn vượt tần suất thiết kế năm 2024 theo hướng dẫn tại Công văn số 103/ĐĐ-QLĐĐ ngày 02/02/2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Công văn số 692/SNN&PTNT-TL ngày 06/02/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đó cần rà soát, đối chiếu và tham khảo các nội dung tiếp tục cần hoàn chỉnh của các huyện Hoằng Hoá, Thọ Xuân, Nông Cống đã được hội nghị đóng góp ý kiến nêu trên.

Chi cục Thủy lợi