Kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm Ngải đen (Kaempferia parviflora Wall. ex Baker) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Theo kết quả điều tra về các loài dược liệu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông năm 2014 các chuyên gia đã ghi nhận được 590 loài cây thuốc thuộc 445 chi, 161 họ của 7 ngành thực vật bậc cao có mạch và nhóm nấm, trong đó có 33 loài thuộc 30 chi và 24 họ cây thuốc thuộc diện bảo tồn ở Việt Nam, nằm trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Thủ Tướng Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam năm 2006.

Ngải đen có tên khoa học Kaempferia parviflora là cây thuốc quý, mọc trong rừng tự nhiên ở vùng núi cao của Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La. Cây giúp tăng cường sức khỏe và chống bệnh tật cho con người, đặc biệt là những người thường xuyên đi trong rừng sâu, nhiều ngày. Đối với dân đi tìm Trầm hương, Ngải đen giống như loại sâm rừng, khi có được vài củ trong túi áo là yên tâm và được sử dụng để "ngậm Ngải tìm Trầm". Ngải đen sử dụng rễ củ ở dạng tươi, dạng khô hay ngâm rượu uống, đều rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay có khoảng 50 loại thuốc và thực phẩm chức năng được sản xuất từ thân rễ Kaempferia parviflora, chủ yếu là viên nang, trà thảo dược, rượu thảo dược, bột khô, lát thái và thân củ khô, kể cả thân củ tươi.

Thực hiện Quyết định số 2638/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2019, của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh mục và cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đợt VI, năm 2019; Hợp đồng số 812/2019/HĐKHCN-ĐTKHCN ngày 31/7/2019 về việc thực hiện Đề tài KHCN “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để bảo tồn và phát triển loài Ngải đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa” giữa Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông và Sở Khoa học & Công nghệ Thanh Hóa.

Qua 3 năm (7/2019 - 7/2022) nghiên cứu, thực nghiệm đề tài đã đạt được một số kết quả sau:

Ngải đen có tên tiếng Việt là Ngải đen, tên khoa học (tên La tinh) là Kaempferia parviflora Wall. ex Baker.

Ngải đen mọc chồi và hình thành thân từ tháng 4 đến tháng 7, đến cuối tháng 10 lá chuyển màu vàng và khô dần vào tháng 11, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cây lụi thân hoàn toàn. Hoa bắt đầu nở từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 9, không hình thành quả. Thời điểm thu hoạch củ phù hợp nhất là vào tháng 12 và tháng 01 năm sau khi cây đã lụi sinh lý.

Các bộ phận thân, lá, hoa, củ của Cây Ngải đen - Kaempferia parviflora Wall. ex Baker ở Khu BTTN Pù Luông

Tại Khu BTTN Pù Luông Ngải đen phân bố tập trung ở tiểu khu 264 và 271 thuộc các trạng thái rừng IIA, IIB và IIIA1; tập trung chủ yếu ở sườn núi thấp, trong khu vực có núi đất, nơi đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí, không phân bố ở núi đá. Ngải đen có phân bố chủ yếu tại các khu vực có độ tàn che 0,2-0,4; độ che phủ từ 37-62%.

Hoạt động điều tra đánh giá hiện trạng phân bố của Ngải đen tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Để nhân giống Ngải đen trước hết cần xử lý chồi củ bằng BA + NAA ở nồng độ 0,05% trong 30 phút; đưa vào giá thể Đất rừng + cát ẩm, tỷ lệ 1/1; che sáng cho cây con giai đoạn vườn ươm với tỷ lệ che sáng 75%; bầu cây đảm bảo tỷ lệ 90% đất tầng B + 5% phân chuồng hoai + 5 % phân vi sinh sẽ cho cây phát triển tốt nhất; mùa vụ thích hợp để nhân giống là vụ Đông Xuân, từ ngày 15/01 - 20/01.

Ngải đen được trồng với mật độ 30x30cm, sử dụng phân bón theo tỷ lệ 0,1kg PC/hố + 0,05 kg phân vi sinh hữu cơ/hố + 0,05 kg phân NPK(15-15-15)/hố); thời điểm thích hợp để trồng Ngải đen là vào vụ Đông Xuân, từ ngày 15/01 - 20/01; tận dụng tán cây hoặc dùng lưới che sáng 75%.

Bố trí các công thức thí nghiệm để nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và gây trồng loài Ngải đen

Đề tài đã xây dựng vườn lưu giống với số lượng1.500 cây và vườn ươm quy mô 500m2 để phục vụ công tác nhân giống.

Xây dựng vườn lưu giống Ngải đen

Hoạt động sản xuất cây giống Ngải đen

Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Ngải đen với quy mô 1.000m2. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ sống đạt trên 90%.

Mô hình trồng thử nghiệm loài Ngải đen tại thôn Tân Thành, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước

Sau khi đề tài được nghiệm thu, kết thúc năm 2022; năm 2023 đơn vị đã triển khai trồng nhân rộng được 0,5 ha Ngải đen tại khu vực rừng cộng đồng thôn Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, đến nay cây đang phát triển tốt, phù hợp với khu vực trồng. Từ kết quả đã đạt được và nguyện vọng của người dân địa phương, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhân giống để cấp cho người dân trồng mở rộng mô hình.

Tập huấn kỹ thuật cho nông dân và triển khai nhân rộng mô hình Ngải đen tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước

Với tiềm năng thế mạnh của vùng về phát triển dược liệu, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục đề xuất các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong phát triển nguồn tài nguyên dược liệu nói chung và loài Ngải đen nói riêng, nhằm góp phần tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân vùng đệm và vùng lõi khu bảo tồn, từ đó giảm áp lực của con người vào tài nguyên rừng.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông