Cơ hội và thách thức trong việc phát triển làng nghề thời kỳ 4.0 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

1. Thông tin chung về làng nghề

Đến năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định công nhận được 116 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống cho 14 địa phương, trong đó: 30 nghề truyền thống, 29 làng nghề và 57 làng nghề truyền thống. Việc công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống như: nghề thêu ren, dệt thổ cẩm, ủ rượu, mây tre đan lá…..vv và phát triển nhanh các nghề mới gắn với quá trình công nghiệp hóa như: bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, gây trồng sinh vật cảnh. Các làng nghề ngoài việc tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ.

Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2023 là 8.002 cơ sở, bao gồm 19 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 24 tổ hợp tác và trên 7.951 hộ gia đình; doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các làng nghề đã được công nhận 1.492.720 triệu đồng; giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 65%; lao động thời vụ chiếm 35%; thu nhập của các lao động làng nghề hiện nay bình quân đạt 4,0- 12 triệu đồng/người/tháng; tùy theo nhóm nghề; có 18 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề tại các huyện như: Chiếu cói (Nga Sơn, Quảng Xương); Bánh gai Lâm Thắm, Bánh lá răng bừa Xuân Lập, Miến gạo Phú Xuân, Nón lá Ngọc Thơm (Thọ Xuân); Đồ Đồng Thiệu Trung, Bánh đa Tân Châu (Thiệu Hóa); Dao rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc); Miến gạo Thăng Long, Hương bài Vạn Thắng (Nông Cống); Chè Lam phủ Quảng (Vĩnh Lộc); Tương bần làng Ái (Yên Định).

2. Cơ hội và thách thức với nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trước cuộc cách mạng 4.0

Có thể nói, sự phát triển của nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp; thu hút hàng vạn lao động thời vụ, cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn gia đình; đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong những năm qua, làng nghề ở Thanh Hóa có sự chuyển biến mạnh mẽ, gia tăng không ngừng về số lượng và giá trị sản xuất.

2.1. Thuận lợi

- Có vùng nguyên liệu tại chỗ để cung cấp cho các làng nghề như: (1) vùng nguyên liệu cói ở các huyện (Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống); khoảng gần 2.000 ha; cung cấp cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ làm từ cây cói;  (2) Vùng nguyên liệu tre, nứa, luồng, vầu lớn nhất cả nước, với 128.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi như: Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ (Mây tre đan, làm hương, làm nón....);

          - Có lực lượng lao động trong độ tuổi ở nông thôn dồi dào để cung cấp số lượng lớn lao động làm việc trong các làng nghề, làng nghề truyền thống;

- Trong các làng nghề có các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác đóng vai trò chủ đạo, tham gia ký hợp đồng thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ làm nghề;

- Sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ chủ yếu làm thủ công, nguyên liệu làm ra sản phẩm là thân thiện với môi trường; Đã có 18 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề, làng nghề truyền thống.

2.2. Khó khăn

- Do tốc độ đô thị hóa phát triển nên vùng nguyên liệu như: Cây cói; cây dâu tằm... dần bị thu hẹp, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề;

- Sản phẩm của các làng nghề làm ra đang còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ; thiếu tính ổn định; sản phẩm của làng nghề chủ yếu tiêu thụ nội địa vẫn là chính nên giá trị chưa cao, lượng xuất khẩu hàng năm không nhiều; nguồn lực đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn còn khiêm tốn, chủ yếu mới đầu tư hỗ trợ công tác đào tạo nghề, đổi mới công nghệ;

- Phần lớn là lao động chưa qua đào tạo tay nghề; số thợ tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất ít; những năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác phát triển nhiều ở các địa phương nên số lượng lao động ở các làng nghề đang có xu hướng giảm do chuyển về các doanh nghiệp đó để làm việc;

-  Đa phần các cơ sở làng nghề  nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa được bố trí quy hoạch riêng; quy mô sản xuất chủ yếu là hộ gia đình là chính, thiết bị công nghệ sản xuất đơn giản, sản xuất thủ công là chủ yếu, bị động về nguyên liệu và thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh; sản phẩm có mẫu mã đơn giản, chưa có nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu lớn, khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

3. Định hướng giải pháp phát triển làng nghề trong thời gian tới

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống; gắn phát triển ngành nghề nông thôn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045; thực hiện tốt Quyết định số 4182/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

- Để làng nghề tồn tại và phát triển, linh hồn của các làng nghề chính là các nghệ nhân, thợ giỏi, thợ lành nghề; nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 việc mở các lớp đào tạo về thiết kế, marketing doanh nghiệp, kĩ năng bán hàng, ứng dụng công nghệ…và các lớp truyền lại tinh hoa của nghề cho thế hệ sau là rất quan trọng; bên cạnh đó, các làng nghề, làng nghề truyền thống cần phải chuyển đổi về hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu sản phẩm, loại bỏ các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng không phù hợp với nhu cầu khách hàng. Cùng với đó là sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu và phải đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm; bảo đảm phát triển đồng bộ, tránh ô nhiễm môi trường.

- Xây dựng và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tạo thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa và thương hiệu du lịch của tỉnh; ngoài ra cần phải đa dạng mẫu mã, chất lượng của từng sản phẩm trong các làng nghề, làng nghề truyền thống để kích thích, thu hút khách hàng mua sản phẩm; để làm được việc này thì các làng nghề, làng nghề truyền thống phải thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng để sáng tạo ra nhiều hàng hóa bền đẹp, đa dạng kiểu cách. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tại làng nghề Thanh Hóa chưa được đầu tư thiết kế, làm mới sản phẩm hay tạo ra những sản phẩm khác biệt, hấp dẫn người mua mà chủ yếu là cách sản xuất truyền thống, mẫu mã truyền thống, hay xuất khẩu thô với giá trị chưa cao. Vì vậy, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong 1 sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu khách hàng là điều rất cần thiết.

- Tạo điều kiện để kêu gọi, huy động nhiều nguồn lực nhằm thực hiện các dự án đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại hóa cho các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, làng nghề truyền thống; có chính sách đầu tư hạ tầng làng nghề, hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để các làng nghề hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề. 

- Xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch làng nghề; từng bước khai thác các sản phẩm đặc trưng của du lịch làng nghề nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh; kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với các thương hiệu, sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa du lịch làng nghề trở thành điểm nhấn, là sản phẩm du lịch đặc sắc của du lịch tỉnh Thanh Hóa./.