Một số lưu ý trong chăm sóc và chống rét cho mạ vụ Xuân 2024

Hiện nay, bà con trên địa bàn tỉnh ta đang tổ chức gieo mạ trà xuân muộn và chăm sóc mạ trà xuân sớm, chính vụ; chuẩn bị đất gieo cấy. Để cây mạ sinh trưởng khoẻ, đanh dảnh, sạch sâu bệnh, bà con lưu ý một số biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc và chống rét cho mạ như sau:

1. Đối với chăm sóc và chống rét cho mạ

- Gieo cấy đúng lịch thời vụ của địa phương. Không gieo cấy khi nhiệt độ dưới 160C. Che phủ nilon cho mạ sau gieo.

- Đất gieo mạ cần được làm kỹ, nhuyễn, sạch cỏ dại.

- Bón lót đầy đủ cho mạ bằng phân chuồng hoai, phân lân hoặc phân hữu cơ vi sinh, tro bếp, không lót bằng phân đạm.

- Lên luống mạ phẳng không được để lắng đọng nước cục bộ, trên bề mặt luống phải có nhiều bùn hoa, lên luống nhỏ để thuận lợi cho che phủ nilon.

- Sau khi gieo tăng cường sử dụng tro bếp hoai, phân chuồng hoai mục phủ đều trên mặt luống để chống rét cho mạ.

- Tổ chức che phủ nilon cho mạ đúng quy cách, khoảng cách từ mặt luống đến đỉnh nilon che cao 0,4-0,5 m.

- Sau khi gieo, cần đảm bảo đủ ẩm để dưỡng mạ và giữ ấm chân mạ.

- Thường xuyên kiểm tra ruộng mạ nhất là sau gieo 4-5 ngày đầu, che kín vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 160C, nếu thấy ni lon bị lốc cần che lại để tránh gió lùa.

- Cần duy trì mực nước ngâm chân giữ ấm cho mạ, không được để  mất nước trong ruộng mạ sẽ làm cây mạ dễ chết rét.

- Sử dụng phân lân super ngâm ngấu và kali pha loãng với nước ấm tưới trực tiếp cho mạ 3-5 ngày/lần, tuyệt đối không sử dụng đạm Urê bón thúc hoặc tưới thúc cho mạ.

- Phun hoặc hoà cùng với nước để bổ sung cho mạ bằng các loại phân bón qua lá như siêu lân, phân vi lượng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không sử dụng phân bón lá chứa GA3, đạm để phun hay tưới vì sẽ làm mạ vống, yếu ớt chống chịu kém.

- Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy cần tiến hành luyện mạ như sau: Sau khi gieo 3-4 ngày đầu che kín; khi thời tiết ấm dần phải mở nilon ở 2 đầu luống, ban ngày mở, ban đêm đậy kín lại; mạ 2,5-3 lá, nhiệt độ ngoài trời trên 18 độ, ấm áp thì mở dần ni lon để mạ quen với môi trường bên ngoài, mở toàn bộ nilon trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 3-5 ngày.

- Thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh trên mạ, nhất là bệnh vàng lá, rầy lưng trắng, phun phòng và trừ bằng một số loại thuốc trừ nấm đặc hiệu hoặc phun phòng bằng các loại thuốc sinh học theo hướng dẫn. Đảm bảo cây mạ đanh dảnh, sạch sâu bệnh, cứng khoẻ khi ra ngoài ruộng cấy.

- Khi mạ được 4-4,5 lá (trà xuân sớm), 3,5-4,0 lá (trà xuân muộn), trời ấm thì đem đi cấy.

2. Công tác chuẩn bị đất cấy và bón lót trước cấy:

- Đất cấy phải được chuẩn bị sớm, cày bừa kỹ, nhuyễn. Địa phương có đất ruộng bằng phẳng, chủ động nước có thể gieo sạ.

- Bón lót cùng với thời gian cày bừa lần cuối với lượng cho 1 sào 500m2 là: phân chuồng hoai 5-7 tạ (hoặc phân hữu cơ vi sinh) + 3-4 kg đạm ure + 2-3 kg kali clorua + 25-30 kg phân lân super (đất chua, trũng dùng lân nung chảy).

Hoặc sử dụng phân NPK chuyên dùng bón lót (loại phân có hàm lượng lân cao) để bón, lượng bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Trước cấy và sau cấy cần kiểm tra đồng ruộng, giữ mực nước nông sau cấy từ 2-3 cm để dưỡng lúa và thuận lợi cho quá trình chăm sóc.