Yêu cầu kỹ thuật khi chuyển hoá rừng keo tai tượng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn

Việc chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn, kéo dài thêm khoảng từ 5 -7 năm mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2,5 đến 3 lần so với việc thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Ngoài ra, kinh doanh gỗ lớn giúp giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, góp phần giảm xói mòn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu…việc chuyển rừng keo tai tượng gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn là rất cần thiết. Trong quá trình chuyển hóa cần quan tâm đến biện pháp kỹ thuật sau:

1. Loại rừng chuyển hóa

- Mật độ: rừng trồng Keo tai tượng cung cấp gỗ nhỏ có mật độ hiện tại từ 1.000 đến 2.000 cây/ha, số lượng cây mục đích chiếm trên 50% mật độ hiện tại (từ 1.000 cây/ha trở lên) và phân bố đều trên toàn bộ diện tích.

- Nguồn gốc giống: giống đã được công nhận, với các xuất xứ: Pongaki, Cardwell, Iron range....hoặc giống đã được cải thiện về mặt di truyền (lâm phần tuyển chọn, rừng giống chuyển hóa, rừng giống, vườn giống, cây trội).

- Tuổi rừng từ tuổi 4 đến 6 tuổi.

- Sinh trưởng: cây sinh trưởng và phát triển tốt. Tỷ lệ cây bị sâu bệnh chiếm dưới 10% số cây. Rừng trồng đang có những biểu hiện cạnh tranh không gian dinh dưỡng mạnh, nhiều cây có tán giao nhau, rừng đã khép tán, độ tàn che lớn hơn 0,5.

2. Ta thưa

2. 1. Số lần tỉa thưa và mật độ để lại:

- Số lần tỉa thưa phụ thuộc vào mật độ hiện tại, điều kiện lập địa nơi trồng rừng và sinh trưởng của lô rừng:

+ Mật độ từ 1.000 đến dưới 1.200 cây/ha: tỉa thưa 1 lần vào tuổi 5 đến tuổi 6, mật độ để lại từ 600 đến 700cây/ha.

+ Mật độ trên 1.200 đến 1.600 cây/ ha: tỉa thưa 2lần;

Tỉa thưa lần 1: thực hiện vào tuổi 4 đến tuổi 5; mật độ để lại 800 đến 1.000 cây/ha.

Tỉa thưa lần 2: thực hiện vào tuổi 8 đến tuổi 9; mật độ để lại 550 đến 600 cây/ha.

+ Mật độ trên 1.600 đến 2.000 cây/ ha: tỉa thưa 3lần;

Tỉa thưa lần 1: Thực hiện từ tuổi 4 đến tuổi 5; mật độ để lại từ 1.200 đến 1.400 cây/ha.

Tỉa thưa lần 2: Thực hiện vào tuổi 6 đến tuổi 7; mật độ để lại từ 900 đến 1.000 cây/ha.

Tỉa thưa lần 3: Thực hiện vào tuổi 8 đến tuổi 10; mật độ để lại từ 550 đến 600 cây/ha.

2.2. Thời điểm tỉa thưa, thời vụ tỉa thưa:

- Thời điểm tỉa thưa: Khi rừng trồng đang có những biểu hiện cạnh tranh không gian dinh dưỡng mạnh, nhiều cây có tán giao nhau, rừng đã khép tán, độ tàn che lớn hơn 0,5.

- Thời vụ tỉa thưa: Vào mùa khô (trước hoặc sau mùa mưa).

2.3. Kỹ thuật tỉa thưa:

- Chọn cây bài tỉa: cây bài tỉa là những cây bị che sáng gần như hoàn toàn, phẩm chất kém trong lâm phần; những cây bị sâu bệnh hại, cây cụt ngọn, cây nhiều thân, cây phân cành thấp, cây cong queo không có triển vọng cung cấp gỗ lớn hoặc cây phân bố ở nơi có mật độ dày.

- Chọn cây để lại: là những cây ưu thế không bị chèn ép, cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, phân cành cao, một thân, không bị sâu bệnh, không bị khuyết tật, có triển vọng cung cấp gỗ lớn.

- Phương pháp bài cây: bài cây trước khi chặt bằng sơn ở 2 vị trí sát gốc và vị trí 1,3m theo một phía nhất định.

- Phương pháp tỉa thưa: chặt sát gốc cây, hướng cây đổ không ảnh hưởng tới cây giữ lại. Không chặt 3 cây liền nhau trong một lần chặt tỉa thưa.

  2.4. Vệ sinh, chăm sóc rừng sau tỉa thưa:

- Vệ sinh rừng: sau khi tỉa thưa tiến hành thu gom thân cây, cắt thành từng đoạn theo quy cách sản phẩm vận chuyển ra khỏi lô rừng. Thu dọn cành cây to ra khỏi khu rừng; cành cây nhỏ băm thành từng đoạn và dải theo băng.

+ Vận xuất gỗ, củi bằng biện pháp cơ giới hoặc thủ công.

- Chăm sóc rừng sau tỉa thưa:

+ Tỉa cành: tỉa cành cho cây mục đích, cắt các thân phụ và cành nằm ở phía dưới tán (những cành già, nằm ở dưới 1/3 chiều cao cây); cắt sát thân cây, tránh làm xước vỏ thân cây; thời điểm tỉa cành vào mùa khô để tránh bị bệnh chết héo.

+ Bón phân: nếu đất nghèo dinh dưỡng (đất sét, tỷ lệ đá lẫn lớn) hoặc trồng rừng thâm canh cao, bón bổ sung 0,2 kg phân NPK (tỷ lệ 5:10:3 hoặc tỷ lệ tương đương) và 0,3 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 0,3-0,5 kg phân NPK/cây.

+ Cách bón: Cuốc từ 4 đến 5 hố xung quanh và cách gốc cây từ 01 đến 1,5 m, kích thước hố bề mặt hình vuông, rộng từ 20 đến 30 cm, sâu từ 15 đến 20 cm, chia đều khối lượng phân bón cho từng hố, trộn đều với đất, vun vào 1/2 hố, phủ đất lên trên.

+ Thời điểm bón: bón phân vào mùa mưa hoặc đầu mùa sinh trưởng của cây.

3. Bảo vệ rừng

- Rừng trồng gỗ lớn cần được kiểm tra, bảo vệ thường xuyên, phòng tránh khai thác trái phép hoặc chặt phá rừng.

- Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh: khi sâu bệnh xuất hiện phải phòng, trừ theo tiêu chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh.

- Phòng chống cháy rừng: phát dọn thực bì trước mùa khô, làm đường ranh giới lô, khoảnh, đường băng cản lửa. Xây dựng chòi canh lửa theo quy định bảo vệ rừng.

4. Chu kỳ kinh doanh

Chuyển hóa rừng trồng Keo tai tượng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh từ 10 đến 12 năm.