Tái thả 05 cá thể Rùa thuộc 4 loài tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu – huyện Quan Hóa

Vào ngày 13/03/2024, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu tổ chức tái thả 05 cá thể Rùa thuộc 4 loài về môi trường tự nhiên.

Thực hiện Quyết định số: 3967/QĐ-UBND ngày 01/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn các loài Rùa đầu to và Rùa núi viền tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, tỉnh Thanh Hóa”. Đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung của dự án. Trong đó, cùng tư vấn thuộc trường Đại học lâm nghiệp thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát quần thể các loài Rùa trên tuyến tại các Tiểu khu tiềm năng, có điều kiện sinh thái thích hợp và nguồn thức ăn ưa thích với các loài Rùa.

Kết quả quá trình điều tra, ghi nhận được phân bố của 04 loài gồm Rùa đầu to (Platysternon megacephalum); Rùa núi viền (Manouria impressa); Rùa sa nhân (Cuora mouhoti); Rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons). Đây là một trong số các loài Rùa thuộc Bộ rùa (Testudines) được liệt kê vào nhóm nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ thuộc Phụ lục IB, IIB, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ).

Đồng thời trong quá trình triển khai hoạt động điều tra, giám sát ngoài thực địa đã phát hiện 05 cá thể Rùa. Trong đó là 01 cá thể Rùa đầu to; 01 cá thể Rùa núi viền; 01 cá thể Rùa hộp trán vàng miền bắc và 02 cá thể Rùa sa nhân có dấu hiệu bị thương và đã tiến hành cứu hộ. Vào ngày 13/03/2024, sau khi phối hợp với các bên có liên quan tiến hành đánh giá bằng trực quan cho thấy các cá thể Rùa trên đã phục ổn định; tiến hành lựa chọn địa điểm và sinh cảnh phù hợp tại Tiểu khu 98, xã Hiền Chung huyện Quan Hóa. Tùy vào đặc tính sinh vật học đối với mỗi loài (trên cạn, dưới nước...) tổ chức tái thả về môi trường tự nhiên.

Thả Rùa Đầu to tại khu vực đầu nguồn suối Pù Hu
Thả Rùa Núi viền và Rùa Sa nhân tại Tiểu khu 98

 

Thả Rùa Hộp trán vàng miền bắc tại Tiểu khu 98

Việc cứu hộ và tái thả ĐVHD trở lại tự nhiên là một giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển của các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Từ đó, bảo tồn được nguồn gen và góp phần hoàn thiện trong bức tranh đa dạng sinh học tại Khu BTTN Pù Hu hiện tại cũng như cho tương lai.

 

Lê Khắc Đông - Cán bộ phòng Khoa học&Hợp tác Quốc tế Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu