Khu bảo tồn biển Hòn Mê (Thanh Hóa) là một trong 16 khu bảo tồn biển (KBTB) được phê duyệt trong Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010. Theo các kết quả điều tra trước đây, khu vực Đảo Mê là nơi có giá trị cao về đa dạng sinh học và đa dạng về các sinh cảnh. Khu vực có tới 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài rong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô. Tuy nhiên hiện nay do việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên tại Hòn Mê chưa được hiệu quả và bền vững đồng thời do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, tài nguyên sinh học biển khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều vùng san hô và các loài thủy sản quý hiếm có giá trị cao như trai ngọc, đồi mồi, san hô, bào ngư, hải sâm… ngày càng suy giảm và cạn kiệt.
Theo dự thảo Dự án, vùng đề xuất thiết lập KBTB Hòn Mê được giới hạn từ Hòn Bung - Hòn Gốc - Hòn Sổ - Hòn Sập - Hòn Nếu - Hòn Đót - Hòn Mê lớn - Hòn Vàng. Diện tích KBTB Hòn Mê được đề xuất với tổng diện tích dự kiến là 6.700ha trong đó phân vùng nghiêm ngặt là 642ha, phân khu phục hồi sinh thái là 447ha, phân khu phát triển là 5.611ha, xung quanh KBTB sẽ thiết lập vành đai bảo vê có diện tích là 1.632ha
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các Sở và ngành liên quan đã đóng góp ý kiến vào dự thảo: các ý kiến đều thống nhất: Việc thành lập KBTB Hòn Mê là rất cần thiết vì Đảo Mê có vai trò rất to lớn không chỉ về nguồn lợi thủy sản, sinh cảnh tự nhiên mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng. Tổng kết hội thảo, các ý kiến cho rằng cần xem xét thêm khi xây dựng dự án phải làm rõ hơn về mục tiêu bảo tồn những loài gì, cần nghiêm cấm hay cho tàu thuyền khai thác thủy sản trong thời gian bao lâu hay là cấm vĩnh viễn trong phạm vi như thế nào, xây dựng khu vùng đệm, vùng lõi đồng thời khu vực vùng biển xung quanh đảo Mê còn là ngư trường đánh bắt quan trọng ở Vịnh bắc bộ, là nơi kiếm sống của cộng đồng ngư dân Tĩnh Gia và nhiều ngư dân tỉnh ngoài do vậy dự án cũng cần có phương án cụ thể, hỗ trợ sinh kế cộng đồng nhằm chuyển đổi nghề, tìm nguồn thu nhập thay thế cho ngư dân khai thác tại khu vực này và bên cạnh đó phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh, của các Bộ, ngành liên quan đến vùng biển Hòn Mê để tìm ra một phương án tốt nhất vừa bảo tồn đa dạng sinh học Hòn Mê vừa phù hợp với phát triển kinh tế của tỉnh, huyện và đời sống ngư dân có liên quan đến khu vực vùng biển Hòn Mê.
Sau khi được thành lập, KBTB Hòn Mê sẽ có vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên biển, đa dạng sinh học, bảo vệ nơi sinh cư của các loài thủy sinh vật, bảo vệ môi trường, góp phần quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản bên trong và xung quanh KBTB, từng bước khai thác giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học biển cho phát triển du lịch sinh thái, giá trị và nghỉ dưỡng, duy trì và cải thiện sinh kế của người dân địa phương địa phương, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và đảm bảo bảo chủ quyền biển đảo của Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

