Giổi ăn hạt có tên khoa học là Michelia tonkinensis A.Chev, là cây bản địa gỗ lớn, thường xanh, cao 25-35m, đường kính 40-60cm hay trên 1m; tán nhỏ, màu xanh đậm. Thân tròn thẳng, gốc có bạnh vè nhỏ; vỏ nhẵn, màu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vết địa y hình bản; thịt vàng hay xanh nhạt, giòn, có mùi thơm nhẹ.
Gỗ giổi có mùi thơm, giác lõi phân biệt, giác màu vàng nhạt, lõi vàng nâu, có mùi thơm, ít bị mối mọt, gỗ bền, được ưa chuộng trong đóng đồ mộc, đồ mỹ nghệ cao cấp. Hạt giổi được ưa chuộng để làm gia vị, chiết xuất tinh dầu làm hương liệu; hạt có giá trị kinh tế cao, hạt tươi có giá từ 5 -7 trăm nghìn đồng/kg, hạt khô dao động từ 2,5-3,5 triệu đồng/kg tuỳ thời điểm.
Bình thường, giổi trồng sau 6-10 năm mới ra hoa, đậu quả. Nhưng hiện nay, bằng phương pháp ghép nên chỉ sau khi trồng 3 năm là đã cho quả bói, năm thứ 4 bắt đầu cho thu hoạch quả. Những năm đầu, giổi có thể cho vài cân hạt mỗi cây, càng về sau cây càng sai quả. Cây ghép có tán thấp, phân cành sớm nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái.
Tại Thanh Hoá, cây giổi ăn hạt được trồng nhiều tại các huyện: Quan Sơn, Quan Hoá, Bá Thước, Thường Xuân…Hiện nay, do nhu cầu thị trường nên người dân tại nhiều địa phương có nhu cầu trồng giổi ăn hạt.
Từ năm 2020, mô hình trồng thâm canh giổi ăn hạt bằng cây ghép đã được Trung tâm Khuyến nông thực hiện tại một số địa phương như: huyện Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Bá Thước. Mô hình bước đầu được đánh giá là hiệu quả với tỷ lệ sống cao, cành ghép sinh trưởng nhanh, không bị sâu bệnh hại. Tại xã Cẩm Phú huyện Cẩm Thuỷ giổi ăn hạt bằng cây ghép sau 3 năm trồng cây đã cho quả bói.
Để trồng giổi ăn hạt bằng cây ghép đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý một số yêu cầu kỹ thuật sau:
- Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống được mua ở cơ sở sản xuất tin cậy, có nguồn gốc giống rõ ràng. Thời gian tạo giống từ 6-8 tháng, chiều cao cây giống từ 50-60cm, trong đó chiều dài của cành ghép ≥ 20cm, đường kính gốc 8-10mm. Cây sinh trưởng tốt, có lá xanh ở dạng bánh tẻ, vết ghép liền sạo, cây không cong queo sâu bệnh.
- Phương thức và mật độ trồng: Trồng thuần loài. Mật độ 500 cây/ha, cây cách cây 4m; hàng cách hàng 5m.
- Làm đất, bón lót: Thực bì phát toàn diện, băm ngắn không đốt. Hố trồng kích thước 40x40x40cm trở lên. Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng để phơi ải. Lớp đất mặt để riêng để trộn với phân lót và lấp hố trước trồng 10-15 ngày. Lượng phân bón lót là 0,5 kg NPK (16:16:8) + 2 kg vi sinh.
- Trồng cây: Trồng vào vụ Xuân tháng 2-3 hoặc vụ Thu tháng 7-9. Trồng vào những ngày râm mát, sau mưa, độ ẩm đất cao.
- Chăm sóc:
Năm thứ nhất: Trồng dặm cây chết (sau khi trồng 1 tháng), phát thực bì cỏ dại xâm lấn, xới đất và vun gốc đường kính rộng 1,0 m, kết hợp bón thúc sau trồng 2-3 tháng với lượng 0,5 kg NPK (16.16.8) + 1-2 kg vi sinh.
Năm thứ 2,3: chăm sóc 2 lần: gồm phát thực bì, xới đất, bón phân, vun gốc đường kính rộng 1,0 - 1,2 m. Chăm sóc lần 1 vào đầu mùa mưa kết hợp với bón thúc lần 1: 0,5-1 kg NPK (16.16.8) + 1 kg vi sinh; Chăm sóc lần 2 vào cuối mùa mưa kết hợp với bón thúc lần 2: 0,5-1 kg NPK (16.16.8).
- Phòng trừ sâu bệnh: Hàng năm tiến hành bón Chế phẩm sinh học cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh trichoderma liều lượng 10 kg/ha, khi bón trộn lẫn với phân NPK để bón vào đầu mùa mưa; riêng năm thứ nhất bón chế phẩm sinh học kết hợp bón lót.
- Tỉa cành tạo tán: Vườn giổi ghép lấy quả muốn có năng suất cao cần tạo được tán lá thấp và rộng. Vì vậy phải chú ý tỉa cành tạo tán. Tiến hành tỉa cành tạo tán trong 2 - 3 năm đầu. Khi cây đạt độ cao 1,5 - 2,0 m thì bấm ngọn, để cây ra 3 - 5 nhánh chính, loại bỏ những cành yếu và những chồi cành vượt để tạo ra cây thấp có tán rộng bề ngang./.

Mô hình trồng giổi ăn hạt bằng cây ghép, cây 3 năm tuổi
tại xã Cẩm Phú huyện Cẩm Thủy tỉnh Thanh Hóa