Hiện nay trà lúa Mùa sớm trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Qua kiểm tra đồng ruộng sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện gây hại, cá biệt có một số địa phương sâu cuốn lá gây hại nặng như huyện Thọ Xuân, Yên Định… Mặc dù ở giai đoạn đẻ nhánh cây lúa sinh trưởng mạnh có khả năng tự bù đắp cho các phiến lá bị sâu cuốn lá gây hại, nhưng nếu bà con không có biện pháp phòng trừ kịp thời, các lứa sâu tiếp theo sẽ gây hại ở giai đoạn làm đòng - trỗ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa cuối vụ.
Để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hiệu quả ngay từ đầu vụ bà con cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên thăm đồng, tích cực kiểm tra, theo dõi sát diễn biến phát sinh phát triển của sâu cuốn lá.
- Đảm bảo chế độ nước tưới hợp lý, bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa đạm.
- Bảo vệ các loài thiên địch của sâu cuốn lá như bọ rùa đỏ, bọ 3 khoang, kiến 3 khoang, nhện,…
- Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ (20 con/m2). Quan sát đồng ruộng khi thấy bướm rộ nhiều tiến hành phun thuốc sau đó khoảng 5-7 ngày để diệt sâu mới nở tuổi 1, tuổi 2. Ưu tiên sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học hoặc bằng một trong các loại thuốc như: Virtako 40WG, Ammate 30 WDG, Prevathon 5SC, Clever 300WG và 150SC…. nơi có mật độ cao phun kép 2 lần cách nhau 3 - 4 ngày và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng (Đúng thuốc – Đúng liều – Đúng lúc – Đúng cách)./.
