Giổi ăn hạt là cây bản địa gỗ lớn đa tác dụng, có giá trị kinh tế và bảo tồn cao. Cây giổi ghép trồng sau 5 năm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay hạt giổi tươi có giá từ 650.000-700.000 đồng/kg, hạt khô giao động từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg. Hạt giổi có hàm lượng tinh dầu cao, được ưa chuộng để làm gia vị cũng như chiết xuất tinh dầu làm hương liệu, dược liệu, làm thuốc chữa ho, đau bụng, ngâm rượu để bôi chữa nhức mỏi gân xương, tê thấp; hạt và vỏ cây có tác dụng làm thuốc kích thích tiêu hoá, trị đau bụng, ăn không tiêu, hạ sốt… Gỗ giổi được dùng đóng đồ mộc đồ mỹ nghệ cao cấp dao động từ 25-30 triệu đồng/m3.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, năm 2021 Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai mô hình "Ứng dụng đồng bộ TBKT xây dựng mô hình trồng cây giổi gắn với thị trường tiêu thụ" tại xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy với quy mô 4,2 ha; Số hộ tham gia: 6 hộ.
Xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy là xã miền núi có diện tích đất vườn đồi phù hợp với việc phát triển cây lâm nghiệp nói chung và cây giổi nói riêng. Sau khi được chọn triển khai mô hình các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và thực hành tại hiện trường. Sau khi được tập huấn các hộ đã tiến hành phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố, trồng chăm sóc rừng trồng. Mật độ 1.000 cây/ha: Hàng cách hàng 3,3m, cây cách cây 3m; kích thước hố (40x40x40)cm ... theo đúng quy trình kỹ thuật. Mô hình hỗ trợ 70% cây giống và phân bón, 30% là đối ứng của các hộ tham gia. Sau gần hai năm trồng cây sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình 3,2 m; đường kính gốc từ đạt từ 6-7cm, 50% số cây đã ra hoa. Điển hình là gia đình anh Lê Xuân Tâm ở thôn My Sơn, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy có những cây đạt 3,8m, đường kính 9-10cm (sinh trưởng nhanh hơn so với trồng đại trà 25%). Để nâng cao thu nhập, gia đình anh cùng một số hộ gia đình trong xã sau khi trồng Giổi đã kết hợp trồng xen cây củ đậu, cây ngô. Đến nay gia đình anh vẫn đang trồng xen cây củ đậu, cây lạc để tăng thu nhập cho gia đình. Theo anh Tâm cho biết, bên cạnh kết quả bước đầu đạt được về sự sinh trưởng tốt của cây Giổi thì gia đình anh còn thu nhập được khoảng 80 triệu đồng từ trồng cây củ đậu và cây ngô trên diện tích 0,7ha tham gia từ mô hình của gia đình. Anh Tâm dự kiến sau 3 năm trồng chăm sóc cây Giổi cho quả bói và 5-6 năm cho thu hoạch ổn định, bình quân 3 kg/cây với giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg hạt khô như hiện nay thì sau khi trừ mọi chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Mô hình triển khai được các hộ đồng tình ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ đã hình thành được chuỗi từ nguồn cung cấp cây giống, phân bón, thuốc BVTV... đến sản phẩm thu hoạch sau này có được đơn vị thu mua. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, phố Quang Trung, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá đã bao tiêu sản phẩm để cung cấp cho các bếp ăn tập thể của các nhà máy, cửa hàng chế biến dược phẩm, công ty…
Qua việc triển khai mô hình giúp bà con nhân dân thay đổi cách nghĩ cách làm trong trồng rừng theo hướng đầu tư thâm canh, góp phần nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn cho bà con miền núi vùng sâu vùng xa. Đồng thời cũng là nơi tham quan học tập của các hộ trên địa bàn xã huyện trong tỉnh, để nhân rộng mô hình, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất chất lượng rừng trồng.
