Trong những năm vừa qua, tỉnh ta đã tập trung công tác chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho sản xuất với chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, phát triển vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, trong đó cây có múi.
Với tiềm năng, điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu phù hợp phát triển sinh trưởng của cây có múi, đặc biệt là ở các huyện như Thạch Thành, Như uân, Thọ Xuân…, nhiều giống cây ăn quả có múi đã được trồng, cho sản phẩm có chất lượng tốt được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua thực tế đánh giá cho thấy, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các loại cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng vào sản xuất là hướng đi đúng đắn nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình trồng cây có múi tập trung đã phát huy hiệu quả kinh cao như tại Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành…cho đến nay diện tích cây có múi toàn tỉnh đạt 2260ha trong đó cam 1.060 ha; bưởi 1.200 ha.
Để phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của các loại cây có múi thì ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất thì việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật là hết sức quan trọng. Trong đó chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như sau:
1. Đất trồng: Tầng canh tác dày tối thiểu 0,5m tốt nhất 0,7-1m đối với cây cam. Trên 1m đối với cây bưởi. Độ chua (PH) 5,5-6.5 Đất nhiều mùn, thoát nước tốt. Không trồng mới trên đất trước đây đã trồng cây có múi nhiễm sâu bệnh).
- Đất trồng cây ăn quả có múi chu kỳ 2 và 3 cần cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi, trồng cây họ đậu như đậu tương, cây lạc... từ 2 đến 3 vụ; trồng cây cốt khí, cây điền thanh... sau đó cắt, cày lật úp dùng làm nguồn phân hữu cơ, kết hợp bón vôi bột nhằm cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi chu kỳ mới.
- Cắt tỉa tạo tán theo dạng hình chữ Y (làm cho cây thông thoáng, chiều cao tán để dưới 3 đến 3,5 m; áp dụng biện pháp vít cành đối với những cây (2 - 5 tuổi), cắt hạ tán với những vườn cây già cỗi (cây trên 10 năm tuổi).
2. Làm cỏ, bón phân: Không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây ăn quả có múi, chỉ làm sạch cỏ gốc thường xuyên, khống chế cỏ dại trong vườn cây bằng biện pháp cắt cỏ hoặc trồng cây lạc dại, dùng màng phủ nilon chuyên dụng để hạn chế cỏ dại.
- Đất trồng cây ăn quả có múi phải được cải tạo thường xuyên, hàng năm bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất (pH > 5,5) và bộ rễ cây.
- Bón bổ sung phân bón tổng hợp NPK bón lót sau khi thu hoạch quả và phân bón tổng hợp NPK bón thúc trong giai đoạn ra hoa, đậu quả và giai đoạn quả lớn... (chú ý sử dụng phân bón tổng hợp NPK ở các thời kỳ sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn, quả chín sinh lý...).
+ Thường xuyên bón bổ sung phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh, hiện nay một số nhà vườn đã chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh lên đến 70% so với lượng phân bón hằng năm cho cây ăn quả có múi. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí; Cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho đất, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu, tăng cường giữ phân cho đất.
3. Tưới nước và tiêu nước: Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để quản lý độ ẩm đất hợp lý, nhất là vào thời kỳ ra hoa đậu quả cần phải giữ đủ ẩm khi vườn khô và thoát nước kịp thời khi trong vườn đọng nước (chú ý tưới nước trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả, tiêu thoát nước tốt trong giai đoạn mùa mưa).
- Phòng trừ sâu bệnh hại và phun phân bón lá cho cây ăn quả có múi ở từng thời kỳ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện và đến ngưỡng cần phải phòng trừ (chú trọng đến các thời kỳ: sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn...). Việc phòng trừ sâu bệnh hại phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.
Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sâu, bệnh hại.
Hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật xây dựng vườn cây ăn quả có múi năng suất, chất lượng (ICM): từ trồng mới, bón phân, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm./.