Thực hiện Quyết định số 2678/QĐ-UBND ngày 8/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển lâm sản ngoài gỗ tại Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa”. Theo tiến độ nhiệm vụ được phê duyệt, trong tháng 9/3023 Ban quản lý Vườn Quốc gia Bến En sẽ tiến hành trồng mô hình 3 loài lâm sản ngoài gỗ quý, có giá trị kinh tế tại phân khu hành chính dịch và phân khu phục hồi sinh thái, cụ thể:
- Loài cây trồng: Trám đen, Sa nhân xanh và Sim.
- Quy mô trồng: 3ha, 01ha/loài.
- Mật độ trồng: Trám đen 500 cây/ha; Sa nhân xanh 3.300 cây/ha và Sim 6.667 cây/ha.
- Một số đặc điểm và giá trị của 03 loài Lâm sản ngoài gỗ dự kiến đem trồng:
* Trám đen (Canarium tramdenum Dai et Jakovt): Thuộc họ trám (Burseraceae) là cây gỗ lớn, cao 25-30 m, đường kính 60-90 cm. Thân thẳng, phân cành cao khi mọc trong rừng, nhưng nếu mọc ngoài sáng, cây phân cành sớm, tán toả rất rộng. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt hơi hồng, có nhựa mủ đen với mùi thơm rất đặc biệt. Trám đen là loài cây đa tác dụng, quả trám đen đã được dùng làm thực phẩm rất lâu đời ở Việt Nam. Trên thị trường hiện nay quả Trám đen được bán với giá 120.000-150.000 đồng/kg. Từ quả trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: trám kho cá, trám nhồi thịt... Quả trám còn được dùng để làm ô mai mặn, ngọt được nhiều người ưa thích. Nhân hạt trám chứa nhiều dầu béo, có vị bùi; có thể ăn sống, ép dầu hoặc làm nhân bánh. Quả trám còn được dùng làm thuốc vì có tác dụng giải khát, thanh lọc, giải độc rượu. Rễ cây trám dùng chữa phong thấp, đau lưng, gối tê liệt cử động. Lá trị cảm mạo, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, phù thũng, ghẻ lở. Ở nước ta, quả trám chín hoàn toàn vào tháng 11- 12.

Cây giống Trám đen tại vườn ươm của VQG Bến En
* Sa nhân xanh (Amomum xanthioides): Thuộc họ gừng (Zingiberaceae) cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên dưới tán rừng. Cây Sa nhân xanh tự nhiên tại Việt Nam phân bố trên diện tích rất rộng, phân bố tập trung nhiều ở các vùng có độ cao dưới hoặc bằng 800m và có lượng mưa trung bình mỗi năm từ 1500 đến 3000mm. Cây ưa đất tốt, giàu mùn, đạm và kali. Là loài cây thân thảo thường mọc thành bụi lớn, chiều cao trung bình của loài từ 1,5-2m, lá dài 25-35cm, rộng 10-15cm. Mặt trên nhẵn, thân ngầm dưới đất và rễ mọc tập trung ở tầng đất mặt dưới 15cm, rễ phát triển theo chiều nằm ngang, không ăn sâu dưới đất. Mỗi bụi sa nhân hàng năm sinh ra khoảng 3 đến 5 tia thân ngầm nằm sâu từ 1cm đến 2cm dưới mặt đất. Các tia thân ngầm này xuyên sâu vào đất sau đó trồi lên mặt đất như các mầm nhỏ để phát triển thành một cây sa nhân con mới.
