Cán bộ Hạt Kiểm lâm Như Thanh hướng dẫn chủ rừng tại xã Xuân Thái bảo vệ rừng mùa nắng nóng và phát triển kinh tế lâm nghiệp
Lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 2/3 diện tích tự nhiên, phân bố ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện toàn tỉnh có trên 648.370 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên 393.359,9 ha.
Rừng được quy hoạch thành 3 loại: rừng đặc dụng 80.368,9 ha; rừng phòng hộ trên 156.583 ha; rừng sản xuất trên 411.418 ha. Bên cạnh việc có diện tích lớn, rừng Thanh Hóa còn có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, nhiều loài cây dược liệu quý, nhiều loại lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường như luồng với hơn 60 triệu cây và hàng vạn tấn lâm sản ngoài gỗ được khai thác, tiêu thụ mỗi năm.
Những năm gần đây, rừng đặc dụng được đầu tư, bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi còn giàu tài nguyên rừng với nhiều loại lâm đặc sản quý hiếm; các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ tài nguyên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái phục vụ đời sống Nhân dân tại Vườn Quốc gia Bến En và các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu; Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động...
Rừng phòng hộ được bảo vệ và phát triển ngày càng tốt hơn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng biên giới, rừng phòng hộ ven biển. Rừng sản xuất được mở rộng về quy mô, cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển dịch sang sử dụng các loại giống nuôi cấy mô cho năng suất cao, trồng rừng gỗ lớn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, từ đó đã hình thành được các vùng gỗ nguyên liệu tập trung, vùng gỗ lớn, vùng luồng.
Các năm vừa qua, thực hiện công cuộc đổi mới nghề rừng theo hướng phát triển lâm nghiệp xã hội, từ chỗ lấy khai thác rừng là chính, thì nay đã chuyển sang lấy rừng làm đối tượng tác động để phát triển kinh tế, giúp Nhân dân các huyện miền núi xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ rừng.
Nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của mình, lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã kiên trì tham mưu cho các cấp chính quyền vận động Nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành xuất sắc công tác giao đất lâm nghiệp, làm cho rừng có chủ đích thực và là tỉnh đầu tiên hoàn thành cơ bản công tác giao đất lâm nghiệp vào cuối những năm 90 thế kỷ XX. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cả trước mắt và lâu dài.
Rừng có chủ, cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước làm rõ quyền lợi và trách nhiệm của chủ rừng, đã tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy chủ rừng và cộng đồng dân cư tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, làm cho vốn rừng toàn tỉnh ngày càng tăng cả về diện tích và chất lượng, an ninh rừng ngày càng ổn định theo hướng bền vững.
Nhận thức được yêu cầu thực tế đặt ra đối với việc giữ gìn giá trị đa dạng sinh học của rừng cho các thế hệ mai sau, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh sớm quy hoạch ổn định trên 80.000 ha rừng đặc dụng, bao gồm Vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, các khu di tích lịch sử - văn hóa Hàm Rồng, Đền Bà Triệu, Lam Kinh, Khu bảo tồn loài Sến Tam Quy (Hà Trung), Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động (Quan Hóa). Đây thực sự là tài sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau.
