Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, chịu ảnh hưởng của hai hình thế thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ nên thường xuyên chịu tác động của hầu hết các loại hình thiên tai hiện nay (trừ sóng thần); với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,7 triệu người, trong đó hiện còn 97.080 hộ/385.067 nhân khẩu đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Thanh Hóa là hết sức nặng nề, không những gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường sinh thái mà còn tác động sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm vừa qua, dưới tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, khó lường và không tuân theo quy luật (điển hình là đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt lớn năm 2018, 2019 xảy ra trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa). Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 135 trận thiên tai làm 83 người chết, 22 người mất tích, 23 người bị thương, gây thiệt hại kinh tế cho tỉnh khoảng 10.779 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống thiên tai luôn được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm; đã quán triệt sâu rộng đến toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời từng bước xây dựng xã hội, cộng đồng an toàn trước thiên tai. Vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Các cấp, các ngành trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương đối với công tác phòng, chống thiên tai và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp lý và các văn bản chỉ đạo của tỉnh để các cấp, các ngành triển khai thực hiện; trong đó nổi bật là việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của tỉnh,… Qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Ngay từ đầu năm 2023, các cấp đã tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự từ cấp tỉnh đến cơ sở, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Ngoài ra, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy, tổ chức hoạt động của Văn phòng thường trực các cấp được quy định cụ thể, giúp cho công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai được nâng lên rõ rệt.
3. Các cấp, các ngành đã chủ động kiểm tra, rà soát, bổ sung hoàn tất mọi công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, từ xây dựng, rà soát, cập nhật Kế hoạch, các phương án, kịch bản ứng phó sát thực tế cho đến tổ chức bộ máy chỉ huy, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần,... để sẵn sàng ứng phó khi có các tình huống xảy ra. Trong đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập, hàng năm đều kiện toàn, nâng cao năng lực cho 559 đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã (tương ứng với 559 xã, phường, thị trấn) với 50.589 người tham gia, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; đây là lực lượng tại chỗ và giữ vai trò rất quan trọng, là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận.
Ban Chỉ huy PCTT,TKCN&PTDS tỉnh đã thành lập các Đoàn công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ huy tỉnh làm Trưởng đoàn để kiểm tra toàn diện về công tác chuẩn bị PCTT năm 2023 tại 27 huyện, thị xã, thành phố; qua đó, các Đoàn công tác đã nắm bắt đầy đủ tình hình triển khai, chuẩn bị và chỉ đạo khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại, hạn chế của địa phương.
