Điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2023 tại đập Bái Thượng.
Trong những năm qua, CT Sông Chu đặc biệt chú trọng cải tiến công tác quản lý, điều hành, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hằng năm, công ty có từ 10 - 15 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các lĩnh vực: Quản lý, điều hành; cải tiến kỹ thuật cơ, điện; bố trí, sắp xếp lao động linh hoạt, hợp lý; quy hoạch - đào tạo nguồn nhân lực; trong đó có 4 sáng kiến được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh công nhận và xếp loại A là: “Nghiên cứu và tổ chức thực hiện tổng hợp các biện pháp tiết kiệm điện năng các trạm bơm tưới trong CT Sông Chu”; “Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng phương án khoán trong quản lý khai thác công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn công trình”; “Một số giải pháp điều hành liên hệ thống tưới Cửa Đạt - Bái Thượng - sông Mực để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ tưới trong CT Sông Chu”; “Điều tiết phòng lũ hạ du hồ chứa nước Cửa Đạt linh hoạt, an toàn và hiệu quả”... Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã và đang được áp dụng, góp phần làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày tháng 6-2023, trời nắng nóng gay gắt kéo dài, các địa phương, đơn vị đã và đang chủ động chống hạn, bảo vệ cây trồng. Ngược lên đầu nguồn đập Bái Thượng, đi qua những cánh đồng đã đủ nước mát cho bà con nông dân cấy lúa vụ mùa, chúng tôi cảm nhận trải qua bao gian khó, bất lợi của thiên tai, CT Sông Chu đã khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới công tác quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.
Với mục tiêu trọng tâm là vận hành an toàn hệ thống các công trình thủy lợi, phát huy hiệu quả phục vụ nước tưới, tiêu cho hơn 150.000 ha cây trồng/năm của 16 huyện và TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, trong đó hơn 55.000 ha cây trồng vụ mùa năm 2023. Từ công ty đến các chi nhánh trực thuộc đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả phương án tưới và chống hạn đến từng công trình, xứ đồng, các huyện, thành phố trong vùng. Kết quả nổi bật là toàn bộ diện tích lúa vụ đông - xuân năm 2023 trong hệ thống thủy nông Sông Chu đủ nước chăm sóc, lúa phát triển tốt, hiện nay đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao.
Phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2023 trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, từ công ty đến các chi nhánh thủy nông trực thuộc khắc phục khó khăn, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ công trình, dẫn nước vào đồng ruộng cho bà con gieo mạ, làm đất gieo cấy hết diện tích cây trồng vụ mùa theo kế hoạch... Từ công ty đến các chi nhánh thủy nông đã phát động cán bộ, công nhân viên ra quân phục vụ sản xuất, thay ca thường trực tại đầu mối công trình, vận hành các trạm bơm, nạo vét bể hút, kênh dẫn các trạm bơm, kênh mương tưới của các hệ thống, vớt rác, thông dòng chảy, cung cấp đủ nước cho các địa phương trong vùng. Điều hành hợp lý các cửa cống lấy nước ở các hồ chứa và có biện pháp tận dụng tối đa các nguồn nước tự nhiên, nước hồi quy, tăng cường trữ nước trong các hệ thống công trình thủy lợi. Điều hành bổ sung nguồn nước giữa các công trình, hệ thống thủy lợi liên quan. Kỹ sư, công nhân công ty đã lặn lội đưa máy bơm dầu đến khu đồng cao, vùng cuối kênh tưới, thửa ruộng hạn cục bộ bơm nước phục vụ sản xuất, hay nối dài đường ống, đắp đập ngăn kênh tiêu nhằm tạo nguồn nước, bơm bổ sung nước kịp thời. Biện pháp điều tiết nước tưới luân phiên được áp dụng ngay từ đầu vụ và duy trì trong cả vụ cho các tuyến kênh chính, trong đó tập trung cho vùng đang khó khăn về nước tưới. Đối với các xã vùng cao, vùng cuối kênh thuộc các huyện như Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn,... công ty đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông chủ động lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến, máy bơm dầu, bơm bổ sung nước kịp thời. Phân công lực lượng thay ca thường trực 24/24 giờ bám sát công trình, địa bàn thông dòng chảy, dẫn nước cho vùng cao, ruộng đồng cuối kênh đang “khát” nước. Vào dịp ngày lễ, chủ nhật, thứ 7, nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân CT Sông Chu phải tạm xa gia đình, người thân làm nhiệm vụ thường trực tại đầu mối các hồ đập, trạm bơm, công trình, kênh mương phục vụ sản xuất, dân sinh.
Khó khăn hiện nay là hàng chục hồ chứa nước do đơn vị quản lý hầu hết mực nước xuống thấp đến mực nước chết. Tại các trạm bơm thường xuyên bị cắt điện luân phiên nên việc vận hành các trạm bơm cấp nước tưới bị gián đoạn, gây nhiều khó khăn cho việc phục vụ sản xuất vụ mùa. Hệ thống tưới Cửa Đạt - Bái Thượng đang phụ thuộc lịch phát điện của Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, nhiều thời điểm lượng nước vào kênh chính không ổn định. Các trạm bơm điện trên địa bàn huyện Cẩm Thủy nhiều thời điểm không lấy được nguồn nước do phụ thuộc vào lịch phát điện của một số nhà máy thủy điện trên sông Mã.
