Hiện nay bệnh Dại ở nước ta diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong trong đó 03 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Tỉnh ta có đàn chó, mèo lớn với khoảng 460.000 con; thời tiết chuyển sang mùa nắng nóng là mùa tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh Dại phát sinh, lây lan trên đàn chó, mèo; đàn chó mèo chưa được tiêm phòng vắc xin triệt để, đặc biệt là tại các huyện miền núi của tỉnh; đàn chó, mèo còn chưa quản lý chặt chẽ, chó còn thả rông nơi công cộng, không có rọ mõm, xích….Vì vậy nguy cơ bệnh dại bùng phát và tử vong trên người là rất cao.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh Dại, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định trong đó tập trung thực hiện các giải pháp:
1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả.
2. Phân công lực lượng tăng cường giám sát đến tận thôn, bản để phát hiện sớm bệnh Dại trên động vật, có biện pháp xử lý, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh kịp thời; báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch theo quy định.
3. Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư; thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; thành lập các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị; xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định.
4. Tổ chức rà soát thực hiện tiêm phòng bổ sung vắc xin Dại cho đàn chó mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch; đặc biệt là các huyện có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại đạt tỷ lệ thấp.
5. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn y tế và thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Thực hiện Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Chi cục tổ chức Thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên chó, mèo tại thành phố Hà Nội.

Đoàn Chi cục Chăn nuôi và Thú y chụp hình lưu niệm cùng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội tại hội nghị
Tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên chó, mèo tại thành phố Hà Nội.
