Số lượt truy cập
Hôm nay 38783
Hôm qua 39190
Tuần này 143487
Tháng này 3181313
Tất cả 192976897
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 06/01/2016
Một số kết quả bước đầu của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tại Thanh Hóa

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chủ quản, dự án có thời gian thực hiện 5 năm (2012-2017) với tổng nguồn vốn thực hiện 27,3 triệu USD, trong đó USAID tài trợ 26,5 triệu USD. Dự án gồm 3 hợp phần chính (Hợp phần cảnh quan bền vững, Hợp phần thích ứng và Hợp phần Điều phối và chính sách) được thực hiện tại Trung ương và 4 tỉnh bao gồm Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An và Long An. Tại tỉnh Thanh Hoá, dự án tập trung ở hợp phần Cảnh quan bền vững với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ việc sử dụng đất, cải thiện quản lý rừng bền vững giúp làm chậm, dừng và đảo ngược quá trình phát thải do mất rừng, suy thoái rừng và khí thải từ các cảnh quan khác, đồng thời tận dụng cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính về giảm phát khí thải.

Là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, kinh tế nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng giữ vai trò quan trọng và chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), do đó việc tham gia dự án là một cơ hội tốt giúp tỉnh Thanh Hoá định hướng phát triển bền vững và tiếp cận với các nguồn tài chính, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Sau hơn 2 năm triển khai, kết quả đạt được của dự án đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH cho cán bộ các cấp chính quyền địa phương và người dân, thúc đẩy sự tham gia của khối doanh nghiệp trong phát triển nông, lâm nghiệp bền vững; nâng cao năng lực quản lý rừng cho các chủ rừng là tổ chức nhà nước, hỗ trợ triển khai chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng và xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, thích ứng với BĐKH…. Có thể nêu ra một số kết quả nổi bật sau đây:

Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH

           Dự án đã tổ chức 6 khoá tập huấn, tập trung vào việc bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về BĐKH, nguyên nhân và các giải pháp ứng phó cho trên 250 đối tượng là cán bộ lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo và chuyên viên các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố. Giảng viên các khoá tập huấn là các chuyên gia cao cấp đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn ở tỉnh và các huyện, các kiến thức về BĐKH được lồng ghép nhằm cung cấp thông tin cho hàng ngàn lượt cán bộ cấp xã, thôn, bản và người dân, góp phần làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực ứng phó.

Kế hoạch Tăng trưởng xanh cấp tỉnh

Dự án VFD đã kết nối với Chương trình phát thải thấp Châu Á (cũng do USAID tài trợ) hỗ trợ UBND tỉnh Thanh Hoá xây dựng kế hoạch Tăng trưởng xanh cấp tỉnh. Để xây dựng kế hoạch này, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác cấp tỉnh và phê duyệt Đề cương kế hoạch; Qua đó dự án đã hỗ trợ tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, các chuyến tham quan học tập trong nước và nước ngoài, tổ chức các chuyến khảo sát của chuyên gia trong nước và quốc tế đến hiện trường để đánh giá và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng lối sống xanh và xanh hoá sản xuất. Đến nay, bản dự thảo Kế hoạch Tăng trưởng xanh của tỉnh đã được thông qua và trình lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đây là một bản kế hoạch được xây dựng một cách bài bản, có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế trong suốt quá trình xây dựng, được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính khả thi, tạo một bước đột phá trong định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, đồng thời mở ra một cơ hội mới cho tỉnh nhằm thu hút đầu tư trong tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Lễ ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ của USAID cho tỉnh Thanh Hóa xây dựng Kế hoạch hành đồng Tăng trưởng Xanh

Kế hoạch phát triển ngành tre, luồng tỉnh Thanh Hoá

Là tỉnh có diện tích rừng Luồng lớn nhất toàn quốc với trên 71.000 ha nhưng chưa được khai thác hiệu quả, dự án đã hỗ trợ cho tỉnh xây dựng ”Kế hoạch phát triển ngành tre, luồng giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030” trong đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn đến từ Tổ chức phát triển mây tre Quốc tế (INBAR) và các chuyên gia hàng đầu ngành tre, luồng trong nước. Thông qua kế hoạch này, đã có 15 dự án cụ thể được xác định, bao gồm các dự án về phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chế biến và phát triển thị trường sản phẩm. Đến nay, kế hoạch này đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu tại Hội thảo quốc tế về tre luồng tại TP. Hồ Chí Minh năm 2014

Mặc dù chưa chính thức được phê duyệt, tuy nhiên thông qua các lần Hội thảo xây dựng kế hoạch, hiện đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự tham gia đầu tư trực tiếp của Công ty cổ phần tập đoàn Mía đường Lam Sơn (Lasuco) với 2 dự án là: Dự án công viên tre luồng Thanh Tam, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng và Dự án Nhà máy sản xuất tre ép khối Tam Thanh, công suất 100.000 m3 sản phẩm/ năm, tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. Hai dự án này đang được triển khai lập dự án khả thi, hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình phê duyệt và dự kiến khởi công trong năm 2016.

Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh và tham gia Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc trung bộ.

Dự án đã hỗ trợ tỉnh xây dựng ” Kế hoạch hành động Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các bon rừng” (gọi tắt là Kế hoạch  hành động REDD+ cấp tỉnh) theo Quyết định số 799/QĐ-TTg  ngày 27/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thông qua kế hoạch này, dự án đang tiếp tục hỗ trợ tỉnh tham gia Chương trình phát thải thấp vùng Bắc trung bộ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ - Đây là một dự án nhằm hướng đến việc chi trả dựa trên kết quả giảm lượng các- bon rừng phát thải ra môi trường, đồng thời gia tăng lượng hấp thụ các - bon của cây rừng. Trong thời gian vừa qua, dự án đã hỗ trợ tư vấn đến các đơn vị, địa phương trong tỉnh tham vấn và thu thập các thông tin liên quan để xây dựng kế hoạch này, dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý I năm 2016.

Hỗ trợ triển khai chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)

Dự án đã hỗ trợ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các địa phương tổ chức rà soát xác định chủ rừng, diện tích rừng phục vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua việc việc ứng dụng ảnh vệ tinh tại huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước; Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Ban chỉ đạo, tổ công tác cấp huyện, cán bộ cấp xã về chính sách chi trả DVMTR. Tổ chức các khóa tập huấn, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tới cán bộ và nhân dân các địa phương trong lưu vực được chi trả tại 7 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Xuân và Như Thanh.

Các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn rừng

Dự án đã hỗ trợ các chuyên gia điều tra, nghiên cứu phương pháp điều chỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hỗ trợ nghiên cứu công tác đồng quản lý rừng cho các cộng đồng tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Hỗ trợ chuyên gia khảo sát, đánh giá công tác giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp cho các chủ vườn ươm. Tổ chức Hội thảo và triển khai hoạt động khảo sát, thu thập thông tin về quản lý rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc. Hỗ trợ sử dụng máy tính bảng trong cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, đã tổ chức cấp phát 16 máy tính bảng cho các Kiểm lâm viên thuộc Khu BTTN Xuân Liên và Hạt Kiểm lâm Thường Xuân sử dụng thử. Dự án đang hỗ trợ triển khai hoạt động thí điểm giao đất, giao rừng có sự tham gia tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát, hoạt động này nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền và người dân nơi đây, hiện tại đã hoàn thành công tác ngoại nghiệp và dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện trong Quý I/2016.

Các mô hình sinh kế, thích ứng với BĐKH:

Dự án đã hỗ trợ chuyên gia triển khai, đánh giá thực trạng và đề xuất các mô hình sinh kế trên địa bàn tỉnh. Hiện tại đang hỗ trợ triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với khí hậu như: Mô hình chăn nuôi gà địa phương kết hợp nuôi giun quế tại các huyện Mường Lát, Bá Thước và Thường Xuân. Mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) tại huyện Thường Xuân, Bá Thước; Mô hình Nông lâm kết hợp tại Mường Lát và mô hình cải tạo vườn tạp tại Thường Xuân. Đã tổ chức  5 lớp tập huấn về kỹ thuật làm chuồng, lựa chọn giống cho người dân tại các xã lựa chọn.  Đồng thời, triển khai thực hiện 11 mô hình sinh kế tại 3 Khu BTTN (Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông). Trong năm 2016, dự án tiếp tục triển khai các mô hình như: Bếp đun cải tiến tận dụng phụ phẩm, mô hình trồng nấm, trồng rau sạch, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mô hình thâm canh rừng luồng theo hình thức hình thành các Hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp, nhằm hình thành vùng hàng hóa tập trung và bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông sản do nông dân sản xuất.

Hướng dẫn nông dân canh tác lúa SRI thích ứng BĐKH

Có thể nói, mặc dù thời gian chưa nhiều nhưng Dự án VFD tại tỉnh Thanh Hóa đã góp phần làm thay đổi và nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về BĐKH và giúp tỉnh ban hành các kế hoạch phát triển như: Kế hoạch Tăng trưởng xanh, Kế hoạch REDD+, Kế hoạch phát triển tre, luồng... . Thông qua các kế hoạch này, dự án đã giúp tỉnh thu hút các nguồn đầu tư trong nước và mở ra cơ hội tiếp cận với các nguồn tài chính quốc tế tài trợ cho các hoạt động ứng phó với BĐKH. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các kế hoạch này là hết sức cần thiết, đặc biệt là kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu COP 21 diễn ra tại Paris, Cộng hòa Pháp trong tháng 12 vừa qua sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các quốc gia, địa phương có sẵn các kế hoạch phát triển ứng phó với BĐKH và giảm lượng phát thải khí nhà kính trong phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù vẫn còn đó những vấn đề khó khăn, tồn tại; Song với những kết quả đạt được và với những mục tiêu phía trước, có thể khẳng định rằng dự án VFD đã, đang và sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa đạt được những thành công mới trong những bước đi đầu tiên, góp phần cùng toàn thể nhân loại ứng phó với BĐKH.

Nguồn tin: Dự án Rừng và Đồng bằng
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 45573


Các tin khác:
 Báo cáo tư vấn Dự án rừng và đồng bằng (VFD) (18/12/2015)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang