Số lượt truy cập
Hôm nay 29165
Hôm qua 58866
Tuần này 192735
Tháng này 3230561
Tất cả 193026145
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ năm, 03/12/2015
Kết quả bước đầu từ dự án ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam

Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD)” được khởi động tại Nam Định từ đầu năm 2014 với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, trang bị công cụ và khả năng tiếp cận các cơ hội, sinh kế để tăng khả năng chống chịu với các rủi ro trước mắt và lâu dài do biến đổi khí hậu; đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý các cấp nhận thức rõ rủi ro của biến đổi khí hậu, trang bị công cụ và năng lực giải quyết rủi ro. Bước đầu các hoạt động của dự án đã đem lại những hiệu quả tích cực.

 Với thời gian triển khai “dài hơi”, dự án được chia thành ba hợp phần chính: Hợp phần cảnh quan bền vững, hợp phần thích ứng và hợp phần điều phối và hỗ trợ chính sách ở cấp Trung ương. Ba hợp phần này sẽ được thực hiện ở các địa bàn khác nhau tùy theo đặc điểm về điều kiện tự nhiên của tỉnh. 

Tại Nam Định, các hoạt động đều nằm trong hợp phần thích ứng. Theo bà Lê Thị Hồng Vân, thành viên Ban quản lý dự án VFD tại Nam Định: Mục tiêu cụ thể của hợp phần thích ứng là tăng khả năng ứng phó của người dân và các địa phương cùng với việc chuyển đổi sinh kế ở những vùng đồng bằng, thông qua việc hỗ trợ thích ứng và quản lý rủi ro thiên tai theo Chiến lược quốc gia về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Chính phủ, xa hơn là góp phần tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.   

Để triển khai hợp phần thích ứng tại Nam Định hiệu quả, Ban quản lý dự án đã xây dựng kế hoạch hành động, trong đó tư vấn lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời thí điểm các mô hình sinh kế và quy hoạch dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài. Theo đó, từ tháng 4/2014 đến nay, dự án đã đưa vào triển khai tại Nam Định nhiều hoạt động, một trong số đó là việc phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định thực hiện đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ở các xã Hải Đông, Hải Phúc, Hải Hòa (huyện Hải Hậu); Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc, Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng). 

Đây được coi là hoạt động cơ bản và cần thiết để tính toán, phối hợp hiệu quả cho các chương trình hành động tiếp theo nhằm làm giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cộng đồng.  

Trước đó vào năm 2013, dự án cũng đã thí điểm đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng tại Quất Lâm và 2 xã khác là Giao Long, Giao Hải (huyện Giao Thủy). Thông qua hoạt động này, chính quyền, các ngành liên quan và các tổ chức, cá nhân đã có cái nhìn cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu ưu tiên cần giải quyết và đưa ra giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu cụ thể tại địa phương nơi mình sinh sống để có kế hoạch phòng chống chủ động và hiệu quả. Ông Phạm Minh Phương, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định cho biết: Sau khi đánh giá, mỗi xã sẽ được dự án VFD hỗ trợ 1 tiểu dự án, mô hình do xã đề xuất giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương mình. Theo dự kiến, năm 2015 VFD tiếp tục đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng tại 9 xã khác, và đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành đánh giá 30 xã tham gia dự án.       

Bên cạnh đó, dự án VFD còn hỗ trợ   khảo sát xây dựng chiến lược truyền thông và trung tâm thông tin về biến đổi khí hậu, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm về các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức các nghiên cứu thực trạng nguồn nước, rừng ngập mặn; hỗ trợ tổ chức hội thảo về biến đổi khí hậu và phòng chống lụt bão ở cấp tỉnh (có bao gồm diễn tập phương án phòng chống siêu bão)… 

Trong thời gian tới, Dự án VFD tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai của tỉnh, trọng tâm tại 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng, lồng ghép vấn đề   biến đổi khí hậu vào quá trình lập kế hoạch trung và dài hạn. Dự kiến sẽ có nhiều hoạt động thiết thực và gắn liền với cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng hơn nữa như: Xây dựng và thí điểm các mô hình chống chịu biến đổi khí hậu (xây nhà cộng đồng tránh bão, các hoạt động về vệ sinh nước sạch); xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng (mô hình giống lúa chịu mặn,, mô hình kết hợp nuôi trồng lúa – tôm, mô hình chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa hiệu quả thấp sang lúa màu hoặc chuyên màu…), tiếp tục đánh giá hiện trạng rừng ngập mặn ven biển và hỗ trợ phục hồi hoặc trồng mới các diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… 

Dự án “Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng Việt Nam" do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được triển khai tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Long An và Nam Định trong thời gian 5 năm (2013-2017)  , với kinh phí hỗ trợ điều phối ở cấp quốc gia ước tính trị giá khoảng 26 triệu USD, nhằm đưa vào triển khai các chính sách và chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Về tổng thể, dự án được kì vọng sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi của Việt Nam trong việc phát triển bền vững các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và hạn chế phát thải khí nhà kính.     

 

Nguồn tin: Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 43033


Các tin khác:
 Dự án rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD) (03/12/2015)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang