Số lượt truy cập
Hôm nay 54611
Hôm qua 39190
Tuần này 159315
Tháng này 3197141
Tất cả 192992725
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ tư, 07/09/2022
Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

Là tỉnh đất rộng, người đông, làng nghề đa dạng, nhiều đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Các em nhỏ hào hứng cho cừu ăn tại Nông trại Ánh Dương (xã Định Tân, Yên Định).

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM. Ngày 2–8–2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021–2025, trong đó nhận định: Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khác vào phát triển kinh tế du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả. Mục tiêu chung là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Với tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và nỗ lực, cố gắng của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hoạt động du lịch nông thôn có nhiều khởi sắc, bước đầu ghi được dấu ấn gắn với kết quả trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Du lịch nông thôn, nông nghiệp xứ Thanh có thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị như: Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương), Nông trại Ánh Dương (xã Định Tân, Yên Định), Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc (phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa), Ông Hướng Farm Stay (xã Đông Tiến, Đông Sơn)...

Cùng với việc thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), một số địa phương trong tỉnh cũng đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng được lợi thế của mình để khôi phục, tạo đà phát triển cho nhiều nghề và làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm đặc trưng, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch như: mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với du lịch sinh thái – nông trại; du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động sản xuất... Những mô hình này không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Hơn hết, đây là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, độc đáo, nơi du khách thêm hiểu biết, yêu quý hơn về đất và người nơi đây. Anh Phạm Văn Đạt, chủ Nông trại Ánh Dương chia sẻ: “Khởi nghiệp từ lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn nói chung vốn không hề dễ dàng. Nhưng mình sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với ruộng đồng nên mình thấm cái vất vả của bố mẹ nói chung và người nông dân nói riêng. Chính vì điều đó, từ khi mình đi học đại học thì luôn nghĩ về quê khởi nghiệp nông nghiệp với cách tiếp cận, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để giảm bớt sự vất vả của người nông dân mà đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình, cống hiến sức mình xây dựng quê hương”.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng tổng thể bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn xứ Thanh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ. Hơn hết, các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Nhìn từ TP Hội An – người bạn kết nghĩa của TP Thanh Hóa và những thành công trong phát triển du lịch để thấy được rằng: Các lợi thế về nông nghiệp, nông thôn ở đây đang được khai thác hiệu quả, đầy sáng tạo, góp phần làm phong phú, sinh động, đa sắc màu bức tranh du lịch Hội An trên bản đồ du lịch quốc gia. Chỉ với một cái lò gạch cũ tróc lở từng mảng nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông đã trở thành điểm nhấn đắt giá, thu hút cho show diễn giới thiệu bộ sưu tập thời trang...

Cũng ở cánh đồng lúa trên mảnh đất Hội An ấy, một không gian thiên nhiên đậm chất nghệ thuật với triển lãm ảnh “Nơi đàn chim trở về” của nhiếp ảnh gia Võ Rin cũng ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng. Không gian triển lãm được sắp đặt ngay trên cánh đồng lúa đang chín vàng đầy thơ mộng - một không gian mở mênh mông trải dài trên cánh đồng Thanh Tây - An Mỹ; đồng thời cũng là nơi sinh sống và di trú của rất nhiều loài chim quý trong tự nhiên. Mặc dù không trực tiếp có mặt tại buổi triển lãm nhưng tin rằng, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sức hút, sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa không gian và ấn tượng thẩm mỹ từ những bức tranh. Và cánh đồng lúa Thanh Tây – An Mỹ trở nên độc đáo, ấn tượng hơn bao giờ hết.

Sự lan tỏa của show diễn, triển lãm nêu trên chính là kênh quảng bá, “chất xúc tác”, cầu nối tuyệt vời cho hình ảnh, thương hiệu du lịch Hội An (Quảng Nam) đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tại buổi tọa đàm quảng bá kết nối và hợp tác phát triển du lịch TP Thanh Hóa – TP Hội An chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng “Tuần văn hóa TP Thanh Hóa – TP Hội An” diễn ra vào dịp tháng 4 vừa qua, đại biểu của TP Hội An đã đưa ra một thông tin khá thú vị: “Con trâu của Hội An một ngày có thể kiếm tiền triệu từ hoạt động du lịch”. Vậy tại sao, xứ Thanh luôn được biết đến là nơi hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa, văn minh lúa nước, đất rộng, người đông, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nghề và làng nghề đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn lại chưa thể làm được điều đó? Đây là câu hỏi, trăn trở lớn đối với các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “Thanh kỳ khả ái” này.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 14089


Các tin khác:
 Diện mạo mới ở xã nông thôn mới nâng cao Ngọc Phụng (14/03/2022)
 Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở bản Đông Ban (23/12/2021)
 Chương trình OCOP góp phần đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố” (11/10/2021)
 Hỗ trợ HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (05/10/2021)
 Hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững (30/09/2021)
 Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn (17/09/2021)
 Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (10/09/2021)
 Thực trạng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa (07/06/2021)
 Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (11/05/2021)
 Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả (07/05/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang