Số lượt truy cập
Hôm nay 16759
Hôm qua 58866
Tuần này 180329
Tháng này 3218155
Tất cả 193013739
Browser   (Today) Chi tiết >>
Thứ hai, 11/10/2021
Chương trình OCOP góp phần đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Là chương trình kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã góp phần đưa 120 sản phẩm OCOP và hàng chục sản phẩm “tiền OCOP” từ các làng nghề, HTX, địa phương trong tỉnh tiến gần hơn với người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Với trợ lực từ chương trình, những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới của các địa phương đã dần khẳng định thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Cùng với triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã linh hoạt vận dụng các nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể sản xuất đánh thức những nghề truyền thống và phát triển thêm nhiều nghề mới. Đồng thời, tăng cường quảng bá, hỗ trợ để những sản phẩm vốn sinh ra từ làng tiếp cận với khách hàng ở nhiều thị trường khó tính. Sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã xuất hiện và tồn tại trên vùng đất Vĩnh Lộc hàng trăm năm, gắn với đời sống, tinh thần của người làng Cao Mật, xã Vĩnh Thành cũ, nay là thị trấn Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, sản phẩm chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu, cho biết: làng Cao Mật có nghề làm chè lam truyền thống, tuy nhiên, chủ yếu người dân làm để sử dụng trong gia đình, làm quà biếu dịp lễ, tết... Chè lam vùng đất Phủ Quảng của Vĩnh Lộc cũng đã có thương hiệu trên thị trường, song lượng tiêu thụ hằng năm khá khiêm tốn. Từ năm 2018, khi tỉnh, huyện triển khai Chương trình OCOP, gia đình nhận thấy đây chính là cơ hội để chắp cánh cho sản phẩm truyền thống “vươn xa”.

Sản phẩm chè lam Phủ Quảng của cơ sở sản xuất Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc đã có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.opMart và nhiều kênh tiêu thụ hiện đại.

Được biết, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 với chất lượng 3 sao, cơ sở sản xuất Lâm Thu đã đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì, sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản lượng tiêu thụ đạt 25 tấn/năm, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm, tăng 20% so với trước khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, điểm nhấn đánh dấu sự vượt tầm không gian của sản phẩm chè lam Phủ Quảng chính là việc Siêu thị Co.opMart Thanh Hóa đã lựa chọn, đưa sản phẩm “lên kệ” tiêu dùng của đơn vị. Ông Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần đưa những sản phẩm truyền thống của địa phương, có mặt ở những điểm, kênh kinh doanh tiêu dùng hiện đại, như: cửa hàng tiện ích, siêu thị và các trang thương mại điện tử. Hiện tại, 9/9 sản phẩm OCOP đã được công nhận của huyện đều có doanh số bán hàng tăng từ 20% trở lên so với trước khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất, giá trị thương hiệu của sản phẩm đều được nâng lên. Đây chính là động lực để khơi nguồn cho hệ thống sản phẩm truyền thống có tiềm năng của địa phương tham gia chương trình.

Thực tế cho thấy Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo “làn gió mới” cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; từ đó hình thành vùng, đơn vị sản xuất uy tín, có quy mô ứng dụng công nghệ kỹ thuật gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, văn phòng đã phối hợp với các địa phương, chủ thể ra mắt 14 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và các sản phẩm hàng hóa đặc trưng từ các vùng, miền. Đồng thời, tổ chức các hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP thu hút sự tham gia của nhiều HTX, doanh nghiệp, làng nghề, trang trại trong tỉnh. Thông qua các hội chợ quảng bá, hàng chục sản phẩm OCOP bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí đã được lựa chọn, bày bán tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử uy tín. Đây là thành công bước đầu trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, quy định đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP sau 3 năm được công nhận chính là phép thử để các chủ thể tham gia chương trình không ngừng đổi mới, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa
In tin    Gửi email    Phản hồi    Lượt truy cập: 28076


Các tin khác:
 Hỗ trợ HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (05/10/2021)
 Hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững (30/09/2021)
 Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn (17/09/2021)
 Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (10/09/2021)
 Thực trạng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa (07/06/2021)
 Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (11/05/2021)
 Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả (07/05/2021)
 Huyện Triệu Sơn với giải pháp xây dựng nông thôn mới (22/03/2021)
 Phát triển HTX ở huyện Thạch Thành (22/03/2021)
 Huyện Thiệu Hóa phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM (26/01/2021)
    Đăng nhập
 
 
   

Bản quyền sử dụng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Trưởng ban biên tập: Đồng chí Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Địa chỉ: 49 Đại lộ Lê Lợi - Thành phố Thanh Hoá - Điện thoại:(0373) 851.118 - Fax: (0373) 850.281


Chung nhan Tin Nhiem Mang